CHỌC HÚT BẰNG KIM NHỎ MÀO TINH HOÀN
quyen quang
2023-09-07T02:29:29-04:00
2023-09-07T02:29:29-04:00
https://bvungbuoubg.com/tin-tuc-su-kien/choc-hut-bang-kim-nho-mao-tinh-hoan-690.html
https://bvungbuoubg.com/uploads/news/2023_09/image-20230907132904-1.jpeg
Bệnh viện Ung Bướu tỉnh Bắc Giang
https://bvungbuoubg.com/uploads/untitled2.png
Thứ năm - 07/09/2023 02:29
CHỌC HÚT BẰNG KIM NHỎ MÀO TINH HOÀN
Nguyên tắc
Dùng bơm tiêm gắn kim tiêm nhỏ đưa kim qua da vào vùng tổn thương và / hoặc mào tinh, hút với áp lực âm để các thành phần trong mào tinh và / hoặc của tổn thương vào trong kim, phụt chất dịch lấy được trên phiến kính, cố định, nhuộm, nhận định hình thái, sự sắp xếp các thành phần hữu hình, nền phiến đồ dưới kính hiển vi quang học để xác định mào tinh có hay không có tinh trùng (trong chẩn đoán vô sinh nam) và / hoặc loại tổn thương mào tinh.
1.Chỉ định và chống chỉ định
* Chỉ định: Kỹ thuật chọc hút kim nhỏ mào tinh hoàn có thể chỉ định cho tất cả các trường hợp tổn thương vùng mào tinh hoàn: khối u, khối sưng, tràn dịch mào tinh hoàn…
* Chống chỉ định: Kỹ thuật chọc hút kim nhỏ mào tinh hoàn rất ít chống chỉ định tuyệt đối. Tuy nhiên, cần cân nhắc việc thực hiện kĩ thuật này trong trường hợp bệnh nhân có u nằm sâu trên cơ địa bệnh ưa chảy máu hoặc đang dùng thuốc chống đông.
2. Các bước chuẩn bị trong kỹ thuật chọc hút kim nhỏ mào tinh hoàn
Người thực hiện: Bác sĩ giải phẫu bệnh hoặc bác sĩ lâm sàng được đào tạo chuyên môn về kỹ thuật chọc hút kim nhỏ và kỹ thuật viên giải phẫu bệnh.
Phương tiện và hóa chất:
- Bông sạch, cồn iod, găng tay vô khuẩn, khẩu trang và băng dính y tế
- Kẹp không mấu, kéo
- Hộp đựng bông cắt nhỏ vô trùng và bông cồn sát khuẩn vùng chọc hút
- Bơm tiêm các mức 10 ml và 20 ml tùy trường hợp với các kích cỡ kim 25G đến 21G
- Lidocaine 5%
- Dụng cụ gắn bơm tiêm để chọc hút
- Hộp đựng kim sạch và hộp đựng kim cũng như các dụng cụ y tế đã qua sử dụng
- Phiến kính sạch ghi mã số bệnh nhân
- Dung dịch cố định bệnh phẩm, phẩm nhuộm phiến đồ
- Các dụng cụ nhuộm và kính hiển vi quang học
Người bệnh:
- Giải thích cho người bệnh về quy trình, mục đích và nguy cơ trong khi thực hiện các thao tác
- Khai thác đầy đủ được tiền sử bản thân, tiền sử gia đình và các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng của người bệnh
- Thăm khám để xác định vị trí cần chọc hút, màu sắc, số lượng, mật độ và kích thước, sự di động.
3. Các bước tiến hành kỹ thuật
Kỹ thuật chọc hút kim nhỏ mào tinh hoàn được thực hiện theo các bước sau:
- Người bệnh nằm ngửa trên giường bộc lộ vị trí cần chọc hút
- Sát khuẩn vùng cần chọc bằng cồn iod và gây tê trong da tại vị trí chọc
- Chọc hút lấy bệnh phẩm theo thao tác sau: cố định vị trí chọc bằng 2 ngón bàn tay trái, tay phải cầm kim có gắn bơm tiêm đâm qua da vào mào tinh hoặc vùng tổn thương, hút dưới áp lực âm để dịch chọ vào lòng kim. Trước khi rút mũi kim cần giải phóng áp lực âm rồi rút nhanh kim qua da, có thể chọc tại nhiều vị trí nếu cần thiết
- Sát trùng vị trí đã chọc hút
- Làm phiến đồ, cố định phiến đồ và nhuộm các phiến đồ bằng phương pháp như Giemsa, Diff- Quick,... rồi nhận định kết quả dưới kính hiển vi quang học.
Yêu cầu của phiến đồ chọc hút kim nhỏ mào tinh hoàn.
- Phiến đồ chọc hút phải lấy được trúng, đủ các thành phần hữu hình của mào tinh hoặc mô tổn thương.
- Các phiến đồ được dàn mỏng, đều.
- Các tế bào được bảo tồn tốt.
- Các tế bào bắt màu rõ ràng, phân biệt được rõ hình thái của nhân và bào tương.
4. Một số biến chứng có thể gặp
Chọc hút kim nhỏ nói chung và chọc hút kim nhỏ mào tinh hoàn nói riêng được chỉ định rộng rãi nhưng hầu hết không gây biến chứng cho người bệnh. Tuy nhiên, có một số biến chứng có thể gặp như:
- Đau tại vị trí chọc: thông thường, người bệnh có thể cảm thấy đau một chút trong một vài phút hoặc một vài ngày sau khi thực hiện thủ thuật.
- Chảy máu: Chảy máu, tụ máu tại vị trí chọc hút, đây là một biến chứng ở các tổn thương nông, nhiều mạch máu, tuy nhiên có thể tránh được bằng cách ép chặt bông tại vị trí chọc trong vòng 10 phút.
Tác giả: quyen quang
Nguồn tin: Khoa Giải Phẫu Bệnh- Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang: