Tiến hành chọc hút dẫn lưu thành công ổ áp xe lớn tại gan trên bệnh nhân ung thư dạ dày tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang
Ngày 30 tháng 9 năm 2021, bệnh nhân Chu Đức Lâm, 60 tuổi, đang điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu, được chẩn đoán có Ổ áp xe lớn tại gan, biểu hiện: đau tức hạ sườn phải và sốt nhẹ, thể trạng gầy yếu, tiền sử Ung thư dạ dày đã phẫu thuật cách đây 2 tháng nên bác sỹ điều trị quyết định can thiệp tối thiểu để hạn chế một cuộc mổ sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe bệnh nhân. Bệnh nhân được chuyển xuống khoa Chẩn đoán hình ảnh và tiến hành chọc hút dẫn lưu dưới hướng dẫn của siêu âm. Bác sỹ Nguyễn Văn Dũng- Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh và các y bác sỹ trong ê kíp đã trực tiếp tiến hành hút dẫn lưu được hơn 2 lít dịch mủ màu vàng, bơm rửa ổ áp xe, gửi bệnh phẩm nuôi cấy làm kháng sinh đồ. Bệnh nhân đã giảm cảm giác đau tức ngay sau khi được tháo mủ và hoàn toàn tỉnh táo, khỏe mạnh và được chuyển về khoa Hồi sức cấp cứu điều trị tiếp. Khoa Chẩn đoán hình ảnh đã tiến hành dẫn lưu nhiều ca bệnh được chẩn đoán áp xe gan nhưng đây là trường hợp có ổ áp xe lớn nhất trong số các ca bệnh đã thực hiện, thể trạng bệnh nhân yếu và nguy cơ vỡ ổ áp xe vào ổ bụng là rất lớn.
Áp xe gan trước kia là bệnh thường gặp, nguyên nhân có thể do nhiễm sán, lỵ Amíp hay tụ cầu,… Ngày nay, tỷ lệ bệnh này đã giảm đi nhiều, nếu không được điều trị kịp thời bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng nguy kịch nếu ổ áp xe vỡ vào ổ bụng gây tình trạng viêm phúc mạc, nhiễm trùng, nhiễm độc. Trước kia, phẫu thuật được ưu tiên hàng đầu trong phương pháp điều trị, bệnh nhân sẽ phải chịu một cuộc mổ và diễn biến sau mổ phức tạp đặc biệt trên nền bệnh nhân có bệnh mãn tính, thể trạng già yếu. Ngày nay, nhờ sự hỗ trợ của các kỹ thuật hình ảnh và trình độ bác sỹ ngày càng được nâng cao, bệnh nhân sẽ được điều trị nội khoa và can thiệp xâm lấn tối thiểu nhằm hạn chế tai biến rủi ro mà vẫn đem lại hiệu quả điều trị tốt. Đây là kỹ thuật mà tại Bắc Giang rất ít đơn vị triển khai tại khoa Chẩn đoán hình ảnh, bởi để thực hiện được kỹ thuật này cùng với một số kỹ thuật can thiệp khác như chọc hút, sinh thiết u, tiêm xơ, đốt u dưới hướng dẫn siêu âm và CLVT cần phải có đội ngũ y bác sỹ có chuyên môn kỹ thuật cao, bệnh viện đã cử một kíp gồm bác sỹ và KTV đi đào tạo tại Bệnh viện tuyến TW thời gian 03 tháng về kỹ thuật “ Điện quang và siêu âm can thiệp”. Không phải đơn vị y tế nào trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cũng định hướng phát triển chuyên sâu về u bướu nên sẽ có nhu cầu đào tạo khác nhau về chuyên ngành CĐHA.
Nguồn tin: Khoa chuẩn đoán hình ảnh:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn