CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG CHO BỆNH NHÂN SAU PHẪU THUẬT UNG THƯ TUYẾN GIÁP
quyen quang
2025-07-17T07:50:45+07:00
2025-07-17T07:50:45+07:00
http://bvungbuoubg.com/tin-trong-nganh/che-do-dinh-duong-cho-benh-nhan-sau-phau-thuat-ung-thu-tuyen-giap-1146.html
http://bvungbuoubg.com/uploads/news/2025_07/image-20250717074953-1.jpeg
Bệnh viện Ung Bướu
http://bvungbuoubg.com/uploads/untitled2.png
Thứ năm - 17/07/2025 07:50
- Đại cương
Ung thư tuyến giáp là bệnh xảy ra khi có sự phát triển bất thường ác tính của các tế bào tuyến giáp.
Ung thư tuyến giáp được cho là bệnh có tỷ lệ chữa khỏi cao nhất trong các loại ung thư khác nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Ung thư tuyến giáp thường gặp ở độ tuổi 30- 50, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2- 4 lần so với nam giới. Đây là những nguyên nhân do yếu tố tuổi tác, thay đổi hormone.
Những người mắc sẵn một bệnh liên quan đến tuyến giáp như mắc bệnh tuyến giáp, bướu tuyến giáp, viêm tuyến giáp, bệnh Basedow... có nguy cơ cao hơn những người khác. Bệnh nhân mắc các bệnh về tuyến giáp sẽ được bác sĩ chỉ định uống iốt phóng xạ, chính đây là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp.
Các yếu tố nguy cơ khác: thiếu iốt, uống rượu thường xuyên, hút thuốc lá, thừa cân, béo phì...
2. Phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp thường không thể điều trị bằng một phương pháp đơn thuần mà phải kết hợp nhiều phương pháp khác nhau.
Lựa chọn phương pháp cần dựa vào: Loại ung thư và giai đoạn của ung thư tuyến giáp; tác dụng phụ có thể xảy ra; yêu cầu của bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân; tình hình sức khỏe hiện tại của bệnh nhân.
Phẫu thuật: Là phương pháp điều trị chính cho ung thư tuyến giáp, cắt bỏ toàn bộ khối u và một phần tuyến giáp, tùy thuộc vào kích thước của khối u, giai đoạn mà chọn: cắt một bên thùy chứa khối u; cắt bỏ gần hết tuyến giáp; cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp.
Hormone thay thế: Sau khi cắt toàn bộ tuyến giáp sẽ dùng hormon tuyến giáp trọn đời (do bác sĩ nội tiết chỉ định).
Phóng xạ iốt: Thường chỉ định cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp: thể nhú, nang và tế bào hurthle. Hoặc áp dụng cho người bị ung thư tuyến giáp biệt hóa đã di căn hạch, các cơ quan khác.
Xạ trị: Sử dụng tia X có mức năng lượng cao chiếu trực tiếp vào cơ thể để tiêu diệt các tế bào ung thư. Chỉ định: ung thư giai đoạn cuối, ung thư di căn đến các bộ phận quan trọng như khí quản hay thực quản. Xạ trị thường được tiến hành sau phẫu thuật và chỉ tập trung vào một khu vực cụ thể. Không được chỉ định đối với những bệnh nhân trẻ tuổi.
Hóa trị liệu: Sử dụng thuốc để diệt các tế bào ung thư thông qua cơ chế kìm hãm sự phát triển, phân chia của chúng.
3. Chế độ dinh dưỡng cho bênh nhân sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp:
Nhìn chung chế độ dinh dưỡng sau phẫu thuật của bệnh nhân ung thư tuyến giáp không có nhiều khác biệt so với chế độ ăn uống của người bình thường. Người bệnh cần lưu ý một số nguyên tắc sau:
- Ưu tiên thức ăn mềm, dễ nuốt: Sau phẫu thuật, bệnh nhân ung thư tuyến giáp thường bị đau rát cổ họng, nuốt khó và tình trạng này có thể kéo dài vài tuần sau mổ. Vì vậy các loại thực phẩm mềm, xay nhuyễn giúp bệnh nhân dễ dàng nhai, nuốt, giảm áp lực lên hệ thống tiêu hóa, cơ thể hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn. Các loại thực phẩm dễ tiêu hóa thường giàu nước và chất xơ có trong ngũ cốc nguyên hạt, đậu, rau củ quả, nước ép trái cây, sữa… Chúng thường được chế biến dưới dạng cháo, súp, canh, hầm… Ngoài ra các món nhiều nước như bún, phở, miến, hủ tiếu… mềm, dễ nuốt, thích hợp cho bệnh nhân sau mổ.
Sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp, bệnh nhân nên ưu tiên dùng các món ăn dạng lỏng, dễ nhai nuốt.
- Thực phẩm chứa nhiều vitamin C: Vitamin C có tác dụng chống oxy hóa, tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, hỗ trợ bệnh nhân hồi phục sau phẫu thuật ung thư cũng như giảm nguy cơ tái phát trong tương lai. Đồng thời, vitamin C giúp cơ thể hình thành collagen thúc đẩy quá trình liền da, nhanh lành vết thương và vùng mô sau phẫu thuật. Các loại quả chứa vitamin C: cam, bưởi, kiwi, dứa, lê, ổi, rau dền, cải bó xôi, ớt chuông, quả mọng…
Các loại hoa quả và rau chứa vitamin C
- Thực phẩm giàu kẽm: Thịt bò (sử dụng với lượng vừa phải), thịt gia cầm, hải sản và các loại hạt, đậu, sữa và chế phẩm từ sữa chứa nhiều kẽm. Đây là những loại thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ tăng độ nhạy của hệ miễn dịch, góp phần đẩy nhanh quá trình tổng hợp protein để chữa lành vết thương sau mổ.
- Tăng cường rau xanh, trái cây tươi: Bệnh nhân nên ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm nhiều chất xơ, vitamin có trong rau xanh, trái cây tươi,… Các thực phẩm này giúp tăng cường nhu động ruột, hạn chế táo bón.
- Thực phẩm giàu canxi: 4 tuyến cận giáp có kích thước nhỏ bằng hạt đậu nhỏ nằm rải rác quanh tuyến giáp có chức năng tiết hormone PTH có chức năng tăng cường nồng độ canxi trong máu. Sau phẫu thuật cắt tuyến giáp, người bệnh có thể gặp tình trạng thiếu hụt hormone PTH, dẫn đến hạ canxi máu. Vì vậy, bệnh nhân sau phẫu thuật nên bổ sung thực phẩm giàu canxi nhằm giảm nguy cơ co giật, chuột rút cơ, loãng xương… do hạ canxi máu. Canxi có nhiều trong các loại thực phẩm: sữa, cá, trứng, thủy – hải sản giáp xác, các loại đậu, hạt, rau lá xanh…
- Thực phẩm giàu selen: Selenium có tác dụng kháng khuẩn, giảm nhiễm trùng, tăng cường hệ miễn dịch giúp nhanh hồi phục sau mổ. Do đó, bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp nên ăn nhiều selen để phòng ngừa nhiễm trùng hậu phẫu, cải thiện chức năng tuyến giáp. Thực phẩm giàu selen gồm: thịt nạc, trứng, nấm, cá hồi, cá ngừ và sò điệp, các loại hạt…
- Thực phẩm giàu omega-3: Bổ sung omega-3 cho cơ thể giúp tăng khả năng chống viêm, nhanh chóng hồi phục sức khỏe, giảm nguy cơ biến chứng. Đồng thời omega-3 hỗ trợ đẩy lùi bệnh tật, tăng cường hệ miễn dịch. Thực phẩm chứa nhiều omega-3 như hải sản, trứng, bơ, dầu thực vật…
Các loại thực phẩm chưa Omega-3
- Uống đủ nước: Các chuyên gia khuyến nghị, bệnh nhân ung thư đã cắt tuyến giáp cần uống ít nhất 1,5-2 lít nước mỗi ngày để đảm bảo duy trì các hoạt động trao đổi, chức năng gan, thận, đồng thời giúp nhanh hồi phục sau phẫu thuật.
Sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp, bệnh nhân cần thời gian để hệ thống tiêu hóa hồi phục và thích nghi. Để quá trình này diễn ra thuận lợi, bên cạnh một số thực phẩm nên ăn, bệnh nhân cần tránh một số thực phẩm gồm:
- Đồ ăn cay nóng: Đồ ăn cay nóng có thể gây kích ứng cho niêm mạc dạ dày và ruột, có thể dẫn đến những rối loạn tiêu hóa. Bên cạnh đó, thực phẩm cay nóng có thể khiến niêm mạc họng bị bỏng rát, kích ứng, khiến bệnh nhân gặp khó khăn khi nuốt hoặc viêm nhiễm vùng thực quản (vị trí gần vết mổ). Các dấu hiệu kích ứng có thể ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi sau mổ. Do đó giai đoạn hậu phẫu, bệnh nhân nên tránh các món ăn nhiều gia vị như ớt, tiêu, các loại sốt cay, nóng…
- Đồ ăn dai, cứng, dính: Vùng cổ bệnh nhân sau mổ ung thư tuyến giáp có thể bị đau rát hoặc sưng. Do vậy, người bệnh nên tránh thực phẩm cứng, thô, dai hoặc dính; ưu tiên các loại thực phẩm mềm hoặc nấu nhuyễn, giúp nhai nuốt dễ dàng và hấp thu tốt hơn.
- Hạn chế muối i-ốt và thực phẩm giàu i-ốt: Tuyến giáp cần lượng i-ốt nhất định để sản xuất các loại hormone cần thiết cho cơ thể. Sau khi cắt một phần tuyến giáp, bệnh nhân cần hạn chế tiêu thụ muối i-ốt để phòng ngừa nguy cơ ung thư tái phát do dư thừa i-ốt trong cơ thể. Đối với trường hợp đã cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp, bệnh nhân cũng không cần bổ sung thực phẩm chứa i-ốt. Hạn chế các loại thực phẩm giàu i-ốt như rong biển, tảo bẹ, muối i-ốt… vì có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp và kết quả điều trị.
- Hạn chế thực phẩm chứa cafein: Bệnh nhân ung thư tuyến giáp sau phẫu thuật cần hạn chế sử dụng các thực phẩm chứa cafein. Cafein có khả năng gây ra các phản ứng kích thích dạ dày như ợ chua, trào ngược, làm đau rát, bỏng vùng hầu họng gần vị trí vết mổ. Việc dung nạp quá nhiều cafein cũng có thể làm rối loạn nhịp tim.
Đáng chú ý, sau mổ cắt tuyến giáp, bệnh nhân ung thư có thể cần uống thêm i-ốt phóng xạ (I131) và các loại thuốc khác. Sử dụng các loại thực phẩm chứa cafein có thể làm giảm tác dụng của thuốc điều trị. Do đó, người bệnh nên hạn chế sử dụng thực phẩm chứa cafein như cà phê, trà, soda và chocolate…
- Giảm tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều gluten: Các loại ngũ cốc như đại mạch, lúa mì, yến mạch chứa nhiều gluten. Bệnh nhân mắc hội chứng bất dung nạp gluten có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao gấp 2,5 lần so với người bình thường. Do đó, bệnh nhân ung thư tuyến giáp chỉ cắt 1 thùy tuyến giáp cũng nên hạn chế các loại thực phẩm trên.
- Tránh thực phẩm chế biến sẵn: Các loại đồ ăn đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn thường chứa chất bảo quản, chất béo no, hóa chất, muối và đường, khiến người bệnh có nguy cơ rối loạn tiêu hóa như đầy hơi, khó tiêu…
Thực phẩm chế biến sẵn thường ít giá trị dinh dưỡng, trong khi bệnh nhân sau phẫu thuật cần nhiều dưỡng chất để phục hồi sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch. Đồng thời, một nghiên cứu của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) cho thấy, thói quen ăn nhiều đồ ăn chế biến sẵn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư và tim mạch. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân sau mổ ung thư tuyến giáp nên kiêng thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn đóng hộp để nhanh chóng hồi phục thể trạng.
- Hạn chế tiêu thụ thịt đỏ và chất béo: Việc tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ, đường và axit béo no có thể ảnh hưởng đến quá trình hồi phục của bệnh nhân sau mổ ung thư tuyến giáp. Đồng thời, tiêu thụ quá nhiều đường và chất béo no làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính nguy hiểm khác như tim mạch, tiểu đường, rối loạn mỡ máu,… ảnh hưởng đến bệnh ung thư sẵn có.
- Kiểm soát đường: Hiệp Hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị, phụ nữ không nên dùng quá 6 thìa cà phê đường (25 g hoặc 100 calo) mỗi ngày và nam giới không dùng quá 9 thìa cà phê đường (36 g hoặc 150 calo).
- Tránh rượu bia: Lạm dụng rượu, bia có thể làm giảm tác dụng của một số loại thuốc hóa trị sử dụng cho bệnh nhân ung thư sau phẫu thuật tuyến giáp. Đồng thời, các nghiên cứu cho thấy sử dụng rượu, bia có thể gây suy giảm hệ thống miễn dịch, làm chậm quá trình hồi phục tế bào, tăng nguy cơ hình thành các tế bào bất thường, phản ứng viêm, kích ứng… Vì vậy, không chỉ với bệnh nhân sau mổ ung thư tuyến giáp, người bình thường cũng cần tránh sử dụng rượu, bia để giảm nguy cơ mắc ung thư cũng như hạn chế nguy cơ tái phát ung thư.
- Cẩn thận với đồ ăn chứa goitrogens: Bệnh nhân ung thư tuyến giáp cần hạn chế thực phẩm họ cải (bắp cải, cải bó xôi, cải xoăn), đậu nành, dâu tây, đào, đậu phộng và củ cải. Đây là các loại thực phẩm chứa nhiều goitrogens có khả năng gây ức chế hoạt động của tuyến giáp, giảm khả năng sản xuất hormone. Bệnh nhân đã phẫu thuật cắt tuyến giáp không nên ăn loại thực phẩm này hoặc có thể chế biến bằng cách luộc hoặc hấp để giảm lượng goitrogens trong thực phẩm.
- Hạn chế ăn đồ chiên xào, nhiều dầu mỡ: Đồ ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ thường nhiều calo và chất béo “xấu”. Quá trình chiên rán, xào thực phẩm dưới nhiệt độ cao có thể tạo ra các chất gây hại như acrylamide, các sản phẩm oxi hóa. Đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì và các bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư…
- Tránh ăn nội tạng động vật: Nội tạng động vật chứa nhiều chất béo bão hòa, cholesterol có thể làm tăng cân và dẫn đến các bệnh lý tim mạch. Ngoài ra, nội tạng động vật có thể chứa nhiều độc tố tự nhiên. Nếu chế biến không đúng cách, chúng có thể gây ngộ độc gan hoặc nhiễm trùng máu. Vì vậy, bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp nên tránh món ăn chế biến từ nội tạng động vật để đảm bảo sức khỏe.
Tác giả: quyen quang
Nguồn tin: Khoa Khám bệnh – Bệnh viện Ung Bướu Bắc Giang tổng hợp: