VẤT VẢ NGHỀ DỌN VỆ SINH TẠI BỆNH VIỆN

Thứ tư - 16/08/2023 03:26
“Việc này là việc của chúng mày phải làm, chắc không học hành gì mới đi làm cái nghề này”… Một chị công nhân vệ sinh vừa nói mà mắt dưng dưng như muốn khóc khi bị một người nhà bệnh nhân quát lên như vậy. Chị cũng tâm sự rằng, không phải một lần mà nhiều lần phải nghe những lời cay ngiệt, phân biệt đối xử từ người bệnh và người thân của họ.
Thật hiếm có nghề nào mà công việc vừa vất vả, nặng nhọc, nguy hiểm như công nhân vệ sinh trong bệnh viện. Ngày nào cũng vậy, công nhân vệ sinh luôn phải đến sớm trước giờ làm việc hành chính ít nhất 2 tiếng đồng hồ để thu gom chất thải, vệ sinh bề mặt, đảm bảo môi trường sạch sẽ cho người bệnh và nhân viên y tế làm việc. Công việc thì vô cùng vất vả bởi lượng rác phát sinh sau một ngày rất lớn, ngoài rác sinh hoạt, trong bệnh viện còn phát sinh một lượng lớn rác nguy hại (có chứa mầm bệnh hoặc hóa chất nguy hại) từ hoạt động chuyên môn. Mỗi công nhân phải phụ trách làm sạch hàng trăm mét vuông sàn nhà, cọ rửa nhà vệ sinh của cả bệnh nhân, nhân viên y tế, làm sạch hành lang và khuôn viên xung quanh của bệnh viện. Việc vận chuyển rác cũng là một nỗi vất vả khi đường vận chuyển về nơi tập kết khá xa, một số tòa nhà không có cầu thang máy nên công nhân phải vận chuyển  rác bằng cầu thang bộ khiến những chiếc áo đồng phục chưa bao giờ ráo mồ hôi. Để có một không gian thoáng đãng, sạch sẽ cho mọi người thì người công nhân vệ sinh phải chấp  nhận làm việc trong môi trường tổng hợp của các loại mùi: nào là mùi hôi, tanh nồng khi chẳng may bệnh nhân xuất huyết hoặc nôn ra máu, mùi hôi thối của phân người, mùi khai từ những nhà vệ sinh luôn quá tải, mùi bốc lên từ những thùng rác hay cả mùi hóa chất phát sinh trong hoạt động chuyên môn… Không phải ai cũng vượt qua được cái cảm giác khi lần đầu tiên đi làm phải tiếp xúc với môi trường nhiều “mùi” như vậy. Không ít người khi đến làm việc vệ sinh tại bệnh viện, chỉ sau một buổi đã không thể chịu được và từ bỏ cái nghề này.  
Làm công nhân vệ sinh tại bệnh viện thì cũng là chấp nhận những hiểm nguy có thể gặp phải. Đó là những tai nạn, thương tích có thể xảy ra như vật sắc nhọn đâm vào hoặc có thể phơi nhiễm với các chất độc hại, máu dịch chứa mầm bệnh khi làm việc. Mặc dù đã được trang bị những kiến thức phòng ngừa cơ bản và đầy đủ bảo hộ lao động nhưng tần suất tiếp xúc thường xuyên nên nguy cơ phơi nhiễm với mầm bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Điều này khiến nhiều công nhân vệ sinh khá lo lắng.
Vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, những khó khăn, nhọc nhằn của công nhân vệ sinh lại tăng lên gấp bội bởi lượng chất thải phát sinh nhiều hơn, yêu cầu về quy trình làm sạch, thu gom chất thải cũng khắt khe hơn, môi trường lao động độc hại hơn do phải thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất khử khuẩn. Thêm vào đó họ thường xuyên trong tình trạng có nguy cơ lây nhiễm Coivd-19 từ những người bệnh đang điều trị tại bệnh viện.
Đối với hầu hết cán bộ viên chức, người lao động khác thông thường đều được nghỉ trọn vẹn vào những ngày lễ, tết nhưng đó là một thứ xa xỉ với công nhân vệ sinh do việc làm sạch cần duy trì thường xuyên, liên tục.
Công việc vất vả nhưng đồng lương mà những người công nhân vệ sinh nhận được thật khiến chúng ta phải suy nghĩ. Đa phần, công nhân vệ sinh đều có hoàn cảnh khó khăn, không có nguồn thu nhập ổn định. Ngồi trong góc cầu thang tranh thủ nghỉ giữa ca làm việc, một chị công nhân chia sẻ, 4 triệu đồng là số tiền mỗi tháng chị nhận được từ công việc này. Với số tiền ấy, chị phải xoay sở chi tiêu để nuôi hai đứa con đi học, còn người chồng tật nguyền đang hàng ngày ngồi cắt tóc ở đầu ngõ để phụ thêm với vợ. Hết giờ làm, chị vẫn nhận làm thêm công việc dọn dẹp, vệ sinh cho gia đình có nhu cầu hoặc bất cứ công việc gì chị có thể làm được.
Để trụ lại được với nghề, người công nhân vệ sinh đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, không chỉ là sự vất vả, cực nhọc từ công việc mà còn đến từ thái độ phân biệt, đối xử, thậm chí kì thị, coi thường từ người bệnh, người nhà người bệnh. Đối với nhiều người, việc dọn dẹp, làm sạch là của công nhân vệ sinh nên họ vô tư vứt rác bừa bãi ra xung quanh, không có ý thức giữ gìn môi trường chung. Một số người bệnh còn có hành vi quát mắng, dọa nạt, bất hợp tác khi công nhân vệ sinh làm việc. Ngay cả với người thân trong gia đình, cũng không có mấy người thông cảm cho những người làm công tác vệ sinh trong bệnh viện.
Nhân viên vệ sinh đang làm việc tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang
Ai trong số chúng ta làm việc hoặc cũng từng đến bệnh viện chắc đều rất mong muốn một môi trường sạch sẽ. Điều đó giúp giảm nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện, giúp bệnh nhân thoải mái, thư thái hơn, từ đó góp phần cho quá trình hồi phục sức khỏe nhanh hơn. Để có được môi trường ấy là bao mồ hôi, thậm chí là cả những giọt nước mắt của những người công nhân vệ sinh đã đổ xuống.
Để có môi trường sạch sẽ không chỉ trong chờ, ỉ lại vào những người công nhân vệ sinh mà mỗi chúng ta đều phải có ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Trong guồng máy hoạt động của bệnh viện, mỗi con người, mỗi bộ phận như một mắt xích. Nếu mắt xích bị đứt gãy, bị hỏng thì chắc chắn bệnh viện không thể hoạt động trơn tru. Do vậy, chúng ta cần nhìn nhận và đánh giá đúng vai trò, tầm quan trọng của công tác vệ sinh môi trường. Đồng thời mỗi người chúng ta cũng cần có cái nhìn nhân văn, cảm thông hơn về nghề nghiệp của những người làm công tác vệ sinh trong bệnh viện, không nên phân biệt, kì thị.

Tác giả: quyen quang

Nguồn tin: Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập49
  • Máy chủ tìm kiếm21
  • Khách viếng thăm28
  • Hôm nay12,951
  • Tháng hiện tại291,799
  • Tổng lượt truy cập11,525,867
Bộ Y tế
Sở Y tế tỉnh Bắc Giang
Phap Diem
dmdc
giam dinh
tracuu
Cục quản lý khám chữa bệnh
chat luong
Cục quản lý Dược
dau thau
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi