Đặt catheter vào trong lòng mạch khi người bệnh nằm điều trị trong bệnh viện, là một thao tác thường gặp trong chăm sóc, chẩn đoán, theo dõi và điều trị. Đây là một kỹ thuật xâm nhập vào cơ thể người bệnh, do vậy trong quá trình thực hiện quy trình này từ chuẩn bị dụng cụ, phương tiện, kỹ thuật vô khuẩn người bệnh, kỹ thuật đặt, che phủ và chăm sóc sau đặt đều phải tuyệt đối vô khuẩn. Nếu quá trình thực hiện không tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc vô khuẩn, có thể đưa các tác nhân gây bệnh vào ngay vị trí đặt sau đó vào dòng máu, dẫn đến sự tụ tập vi khuẩn trong và ngoài lòng mạch, hậu quả là gây nhiễm khuẩn huyết.
Nhiễm khuẩn huyết do đặt catheter tĩnh mạch ngoại biên xảy ra trong quá trình điều trị người bệnh là nhiễm khuẩn huyết tiên phát, không có và không ở trong giai đoạn ủ bệnh của nhiễm khuẩn huyết tại thời điểm nhập viện và nguyên nhân có liên quan đến việc đặt catheter.
Một số yếu tố nguy cơ có liên quan đến nhiễm khuẩn huyết do đặt catheter tĩnh mạch ngoại biên như:
Yếu tố người bệnh: Người bị suy giảm miễn dịch, người già, trẻ sinh non tháng, người có tổn thương về da…
Yếu tố can thiệp như: Kích thước catheter, vị trí đặt, thời gian lưu…
Yếu tố môi trường: Hoàn cảnh đặt catheter (đặt trong tình huống cấp cứu có nguy cơ nhiễm khuẩn huyết cao hơn), việc tuân thủ quy trình về kiểm soát nhiễm khuẩn của nhân viên y tế, người bệnh…
Việc phòng ngừa nhiễm khuẩn huyết là một việc làm cần thiết và có thể thực hiện được nếu như chúng ta tuân thủ nghiêm ngặt quá trình vô khuẩn khi thực hiện thủ thuật xâm lấn này.
Một số giải pháp làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn huyết do đặt catheter tĩnh mạch ngoại biên:
- Đào tạo và giáo dục những nhân viên y tế, những người trực tiếp thực hiện việc đặt và chăm sóc các catheter: Việc đào tạo cần được chú trọng và tập trung đi sâu vào các thực hành có nguy cơ cao gây nhiễm khuân huyết, đặc biệt là việc bỏ hoặc làm tắt các bước liên quan đến tuân thủ quy trình về kiểm soát nhiễm khuẩn.
Chuẩn bị thuốc không đảm bảo vô khuẩn là thao tác có nguy cơ gây nhiễm khuẩn huyết khi tiêm, truyền
- Tuân thủ nghiêm các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn trong thực hành đặt catheter tĩnh mạch ngoại biên như:
+ Vệ sinh tay: Là thao tác cực kỳ đơn giản và hiệu quả để giảm lây nhiễm chéo và nhiễm khuân huyết nhưng dễ bị bỏ qua khi thực hành.
+ Sát khuẩn da một cách thích hợp: Làm sạch và sát khuẩn da đúng phương pháp giúp giảm đáng kể lượng vi khuẩn định cư trên da vùng đặt catheter.
+ Chuẩn bị thuốc đảm bảo vô khuẩn.
+ Duy trì trạng thái vô khuẩn của thiết bị, dụng cụ xâm lấn (kim, đốc kim…)
….
- Chọn vị trí đặt ít nguy cơ lây nhiễm nhất: Ưu tiên đặt catheter tại chi trên, không đặt tại vị trí nếp gấp.
- Rút sớm nếu không còn cần thiết và chọn loại catheter thích hợp.
- Giám sát việc thực hiện đặt catheter, phát hiện và phản hồi những ca nhiễm khuẩn huyết có liên quan đến những người thực hiện thủ thuật này.
- Hướng dẫn người bệnh thực hành một số thao tác như thường xuyên vệ sinh tay, không làm ướt hoặc để nước xâm nhập vị trí đặt catheter…