AN TOÀN BỨC XẠ TRONG Y TẾ

Thứ ba - 31/01/2023 09:07
Việc tiến hành sử dụng phương tiện, máy móc chẩn đoán hình ảnh sử dụng các tia bức xạ hay điều trị ung thư bằng phương pháp xạ trị ngoài, xạ trị áp sát thường gây đến nhiều sự hiểu lầm, lo lắng về sự an toàn không chỉ cho người bệnh, người nhà người bệnh mà với cả nhân viên y tế. Trải qua quá trình dài với nhiều sự tiến bộ và cải tiến trong kỹ thuật thì việc đảm bảo an toàn bức xạ đã được xây dựng và áp dụng có hiệu quả nhằm giữ an toàn cho nhân viên y tế, người bệnh và cả khách đến thăm.
1, An toàn bức xạ là gì?
 - Bức xạ được hiểu là bức xạ ion hóa, bức xạ ion hóa là các hạt hoặc các tia có năng lượng đủ lớn gây ra sự ion hóa vật chất mà nó tương tác. Ví dụ: tia X, tia gamma, hay các hạt phóng xạ alpha, beta, neutron.
- An toàn bức xạ được định nghĩa trong luật năng lượng nguyên tử, An toàn bức xạ tại khoản 20, điều 3 là việc thực hiện các biện pháp chống lại tác hại của bức xạ, ngăn ngừa sự cố hoặc giảm thiểu hậu quả của chiếu xạ đối với con người, môi trường.



- Tiêu chuẩn về an toàn bức xạ và giới hạn liều cho các đối tượng:
+ Nhân viên bức xạ: Liều hiệu dụng cho nhân viên bức xạ là 20 mSv/y được lấy trung bình trong 10 năm làm việc liên tục và trong một năm riêng lẻ trong thời gian đó không có năm nào được vượt quá 50 mSv.
+ Người học việc, học sinh, sinh viên từ 16 đến 18 tuổi: Liều hiệu dụng trong một năm không được vượt quá 6 mSv.
+ Công chúng: Liều hiệu dụng toàn thân trong một năm không được vượt quá 1 mSv.
+ Người thăm, người trợ giúp bệnh nhân: Liều của một cá nhân bất kỳ tham gia chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân và khách đến thăm cần phải được kiềm chế sao cho liều bức xạ không vượt quá giá trị 5 mSv trong cả thời kỳ bệnh nhân được chẩn đoán hoặc điều trị. Liều đối với các trẻ em đến thăm bệnh nhân đang sử dụng dược chất phóng xạ cũng phải được kiềm chế ở mức nhỏ hơn 1 mSv.
2, Các biện pháp đảm bảo an toàn bức xạ.
2.1, Các biện pháp vật lý.
          - Giảm thời gian: Liều tích lũy trong cơ thể người làm việc trong vùng có một suất liều xác định tỷ lệ thuận với thời gian mà người này có mặt trong vùng đó. Do vậy liều của người này có thể kiểm soát được bằng cách giới hạn thời gian có mặt trong vùng đó. Ví dụ: Giới hạn liều hàng năm cho nhân viên bức xạ là 20 mSv/năm có nghĩa là, với giả thiết một năm làm việc gồm 50 tuần, tương ứng với 0,4 mSv hoặc 400 µSv/tuần. Do đó nhân viên đó được phép có mặt dưới 20 giờ trong một tuần trong vùng có suất liều là 20 µSv/h sẽ đảm bảo an toàn.
          - Tăng khoảng cách: Nếu một nguồn điểm phát xạ đồng đều theo mọi hướng, thông lượng ở khoảng cách r từ một nguồn điểm tỷ lệ nghịch với bình phương khoảng cách đó. Vì suất liều bức xạ tỷ lệ thuận với thông lượng nên suy ra rằng suất liều cũng tuân theo định luật nghịch đảo bình phương khoảng cách. Do đó việc tăng khoảng cách với nguồn phát bức xạ cũng sẽ là cách để giảm thiểu liều chiếu bức xạ tới cơ thể.
          - Che chắn bức xạ: Chiều dày bảo vệ của tường, sàn, trần, cửa ra vào phòng đặt thiết bị bức xạ, cửa quan sát của phòng điều khiển phải được tính toán thiết kế theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 19/2012/TT-BKHCN ngày 18/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về kiểm soát và bảo đảm an toàn trong chiếu xạ nghề nghiệp và chiếu xạ công chúng và phải bảo đảm mức liều bức xạ tiềm năng của môi trường làm việc trong thực tế. Với tia X, gamma thì chúng ta nên sử dụng các vật liệu có tỷ trọng lớn như chì, thép, xi măng để làm vật liệu che chắn. Nhưng với loại phóng xạ phát neutron thì chúng ta lại ưu tiêu sử dụng vật liệu có tỷ trọng rất nhẹ để che chắn như nước, sáp paraphin, nhựa. Còn các tia alpha và beta tự nhiên chúng không thể di chuyển một quãng xa trong không khí nên thực ra không cần quan tâm tới việc che chắn.

2.2, Các biện pháp hành chính.
- Cơ bản các biện pháp hành chính giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết cho các nhân viên bức xạ từ đó áp dụng có hiệu quả các biện pháp vật lý nêu trên nhằm bảo vệ chính bản thân, người bệnh và cả khách tham quan. Một số biện pháp hành chính sau có thể áp dụng:
+ Tổ chức đào tạo về an toàn bức xạ cho nhân viên bức xạ y tế: Cơ sở y tế có trách nhiệm đào tạo an toàn bức xạ cho nhân viên bức xạ y tế. Tổ chức đào tạo an toàn bức xạ cho nhân viên bức xạ y tế mới tuyển dụng theo chương trình đào tạo an toàn bức xạ cơ bản do Bộ Khoa học và Công nghệ quy định. Định kỳ ít nhất 03 năm một lần tổ chức đào tạo nhắc lại và bổ sung kiến thức chuyên sâu, thông tin mới về an toàn bức xạ cho các nhân viên bức xạ y tế.


+ Xây dựng nội quy an toàn bức xạ: Nội quy an toàn bức xạ phải chỉ rõ các yêu cầu bảo vệ an toàn bức xạ cho nhân viên bức xạ y tế, các nhân viên khác trong cơ sở y tế, người bệnh, người chăm sóc hoặc hỗ trợ người bệnh và công chúng.
 


+ Gắn các biển cảnh báo bức xạ: Việc gắn các biển cảnh báo bức xạ là một việc rất quan trọng để cảnh báo mọi người khu vực có nguồn bức xạ. Quy cách các biển cảnh báo bức xạ được quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7468:2005 (ISO 361:1975) ATBX – Dấu hiệu cơ bản về bức xạ ion hóa và Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8663:2011 (ISO 21482:2007) An toàn bức xạ – Cảnh báo bức xạ ion hóa – Dấu hiệu bổ sung.



                   + Phân vùng kiểm soát:
• Vùng không cần kiểm soát: chiếu xạ hàng năm không vượt quá 1/10 liều cho phép, nghĩa là <2 mSv/năm. Nhân viên có thể làm việc 40 giờ/tuần, 50 tuần/năm, tổng cộng 2000 giờ, suất liều < 1 µSv/h, không cần biện pháp gì đặc biệt.
• Vùng giám sát: liều chiếu không quá 3/10 liều cho phép (6mSv/năm), suất liều trung bình < 3 µSv/h. Người làm việc trong vùng này định kỳ phải được kiểm tra theo thường quy.
• Vùng kiểm soát: suất liều > 3 µSv/h. Người làm việc trong vùng này phải được giám sát y tế và theo dõi thường quy.
• Vùng hạn chế: suất liều >10 µSv/h.Vào vùng này phải có cảnh báo đặc biệt, hạn chế thời gian, có thiết bị phòng hộ và theo dõi.

Tác giả: quyen quang

Nguồn tin: Khoa xạ - Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập69
  • Máy chủ tìm kiếm45
  • Khách viếng thăm24
  • Hôm nay12,218
  • Tháng hiện tại324,166
  • Tổng lượt truy cập13,722,382
Bộ Y tế
Sở Y tế tỉnh Bắc Giang
Phap Diem
dmdc
giam dinh
tracuu
Cục quản lý khám chữa bệnh
chat luong
Cục quản lý Dược
dau thau
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi