NHỮNG THẮC MẮC THƯỜNG GẶP TRONG ĐIỀU TRỊ XẠ TRỊ
Xạ trị là một trong những phương pháp chính để điều trị ung thư bên cạnh điều trị hoá chất, phẫu thuật, điều trị thuốc đích, điều trị miễn dịch... Ở nước ta, xạ trị không còn là kỹ thuật điều trị mới, cho đến hiện nay mỗi năm đều có hàng ngàn bệnh nhân được điều trị ung thư bằng các hệ thống máy gia tốc xạ trị hiện đại. Tuy khá phổ biến nhưng đặc thù là phương pháp điều trị ứng dụng kỹ thuật cao nên ở nước ta hiện nay số lượng máy gia tốc xạ trị vẫn còn chưa đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân trên khắp cả nước và các trung tâm có triển khai xạ trị hầu hết vẫn chỉ tập trung tại các thành phố lớn do vậy bệnh nhân được điều trị xạ trị hầu hết sẽ được chuyển từ các tuyến dưới lên tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương. Do thông tin hướng dẫn về xạ trị ở nước ta hiện nay vẫn còn ít nên rất nhiều bệnh nhân khi có chỉ định xạ trị hầu hết đều cảm thấy lo lắng bởi quan niệm “xạ trị thì ung thư giai đoạn cuối rồi !”, “xạ trị hại người lắm” hoặc rất nhiều bệnh nhân thắc mắc như: “tôi xạ trị về có phải cách ly với gia đình không?”, “tại sao tôi đã chụp CT mà vẫn phải chụp CT mô phỏng?”, “tại sao tôi phải chờ đợi từ 1 đến 2 tuần mới được xạ trị?” … bài viết này mong rằng sẽ giải đáp được một số thắc mắc thường gặp của bệnh nhân và giúp bệnh nhân yên tâm trong điều trị xạ trị.
Bệnh nhân điều trị xạ trị có phải cách li với gia đình trong thời gian điều trị không?
Xạ trị nói chung thường được dùng để chỉ phương pháp xạ trị ngoài tức là sử dụng máy gia tốc hoặc các nguồn bức xạ đặt bên ngoài cơ thể bệnh nhân để điều trị do đó sau thời gian điều trị, bệnh nhân không có các đồng vị phóng xạ trong cơ thể nên không phát ra bức xạ và không gây ra nguy hiểm với cộng đồng. Bệnh nhân cần phải cách li sau quá trình điều trị là các bệnh nhân ung thư tuyến giáp được điều trị với I^131 (I ốt phóng xạ) hoặc các bệnh nhân được điều trị với các hoạt chất phóng xạ mà sau quá trình điều trị, chất phóng xạ vẫn còn trong cơ thể và vẫn có thể phát ra bức xạ gây ảnh hưởng tới người xung quanh.
Chụp CT mô phỏng là gi?
Rất nhiều bệnh nhân sau khi được chỉ định xạ trị được chỉ định chụp CT mô phỏng (CT simulation) thường có thắc mắc là quá trình khám bệnh trước đó đã được chụp CT vậy tại sao cần chup CT một lần nữa. Để giải thích cho câu hỏi này trước hết chúng ta cần hiểu CT mô phỏng khác chụp CT thông thường như thế nào. CT mô phỏng được chụp để bác sĩ và kỹ sư lập kế hoạch điều trị do đó tư thế chụp của bệnh nhân phải có thật thoải mái và bệnh nhân cần được cố định tốt để bệnh nhân có thể được tái tạo dễ dàng tư thế chụp CT mô phỏng khi được điều trị (tư thế của bệnh nhân khi cụp CT mô phỏng và khi xạ trị phải hoàn toàn trùng khớp). Do vậy khi chụp CT mô phỏng, bệnh nhân cần được thực hiện với các dụng cụ cố định chuyên biệt, những thiết bị này sẽ cho phép cố định tư thế bệnh nhân tốt, giữ bệnh nhân thoải mái trong quá trình chụp CT mô phỏng và điều trị đồng thời những thiết bị này cần được chế tạo bằng vật liệu đặc biệt để hầu như không làm ảnh hưởng đến chùm bức xạ điều trị.
Trên đây là một số câu trả lời cho các thắc mắc thường gặp của bệnh nhân khi được tiến hành điều trị xạ trị.
Thông tin liên hệ: Bs.CKI. Nguyễn Ngọc Toản, Trưởng khoa Xạ- Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang. SĐT: 098 230 9179.