DỰ PHÒNG UNG THƯ ĐẦU CỔ
quyen quang
2024-02-29T19:45:31-05:00
2024-02-29T19:45:31-05:00
https://bvungbuoubg.com/tin-trong-nganh/du-phong-ung-thu-dau-co-821.html
https://bvungbuoubg.com/uploads/news/2024_03/image-20240301074345-1.jpeg
Bệnh viện Ung Bướu tỉnh Bắc Giang
https://bvungbuoubg.com/uploads/untitled2.png
Thứ năm - 29/02/2024 19:45
DỰ PHÒNG UNG THƯ ĐẦU CỔ
Ung thư đầu cổ (Head and Neck Cancer) là thuật ngữ chỉ bệnh lý ác tính ở nhiều vị trí khác nhau của đầu cổ, bao gồm ung thư hốc mũi, khoang miệng, các xoang cạnh mũi, tuyến nước bọt, thanh quản, hạ họng, vòm mũi họng, ung thư tuyến giáp. Tỷ lệ mắc ung thư đầu cổ hàng năm vượt qua hơn nửa triệu ca. Thuốc lá, đồ uống có cồn được coi là những yếu tố nguy cơ chủ yếu, ngoài ra còn hay gặp do nhiễm virus như HPV, EBV. Những tiến bộ lớn trong điều trị gần đây làm thay đổi tỷ lệ sống thêm 5 năm cho bệnh nhân với kết quả đạt được khoảng 60%. Việc chẩn đoán muộn làm tăng sự phức tạp cho điều trị với tỷ lệ tử vong cao. Việc dự phòng tốt tạo nhiều cơ hội tốt nhất cho bệnh nhân trong việc tăng hiệu quả kiểm soát bệnh.
Dự phòng gồm ba bước:
- Dự phòng nguyên phát với mục đích tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ.
- Dự phòng bước hai bao gồm sàng lọc phát hiện sớm.
- Dự phòng bước ba liên quan đến việc quản lý bệnh nhân ung thư đầu cổ đã điều trị.
Dự phòng bước 1:
Các biện pháp dự phòng dựa vào việc hiểu biết các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của bệnh, bao gồm:
- Phòng chống hút thuốc lá và uống rượu
- Sử dụng các sản phẩm chống nắng
- Vệ sinh môi trường sống, phòng nhiễm các vi sinh vật như nấm, vi khuẩn, virus…
- Giảm nguy cơ nhiễm HPV bằng tiêm phòng vacxin HPV.
- Vệ sinh răng miệng
- Tăng cường dinh dưỡng: bổ sung các vitamin có tác dụng chống oxy hóa như A, E, C, vitamin B trong chế độ ăn.
- Có chế độ bảo hộ lao động tốt trong môi trường nghề nghiệp có tiếp xúc với các chất gây ung thư.
Dự phòng bước 2
Hiện tại chưa có quy trình chuẩn cho việc sàng lọc cho các ung thư vùng đầu mặt cổ. Một số khuyến cáo chung cho việc sàng lọc, phát hiện sớm ung thư đầu cổ như:
- Những người nghiện rượu và/hoặc thuốc lá đi khám sàng lọc ít nhất 1 lần/năm, ngay cả khi không có triệu chứng.
- Khám lâm sàng vùng mũi, họng, miệng, phát hiện hạch vùng cổ, thực hiện một số kỹ thuật thăm khám phù hợp với các vị trí tổn thương.
Sàng lọc ung thư khoang miệng
- Đối tượng nguy cơ của ung thư khoang miệng:
+ Nam giới trên 45 tuổi
+ Người sử dụng thuốc lá
+ Người nghiện rượu
+ Người có thói quen nhai trầu
+ Người bị nhiễm HPV
+ Có tiền sử được chẩn đoán ung thư khoang miệng trước đó.
- Biện pháp sàng lọc ung thư khoang miệng:
+ Khám lâm sàng
+ Sử dụng chất chỉ thị màu như xanh toluidine để phát hiện tổn thương
+ Xét nghiệm tế bào học hoặc sinh thiết chải
+ Nhuộm huỳnh quang.
Sàng lọc ung thư vòm mũi họng
- Yếu tố nguy cơ:
+ Nhiễm virus Epstein-Barr
+ Mắc các bệnh nhiễm trùng tai mũi họng mạn tính
+ Nghề nghiệp: làm nghề cao su, nhựa tổng hợp, những người tiếp xúc nhiều với khói, bụi, hơi Carbon, hóa chất, tia phóng xạ...
+ Thói quen ăn uống: thường xuyên ăn các thức ăn bị lên men chua, ôi thiu như cá muối, thịt hun khói, đồ muối chua..
+ Hút thuốc lá, uống rượu bia và sử dụng các chất kích thích.
+ Di truyền: trong gia đình người bị ung thư vòm mũi họng
- Biện pháp:
+ Khám định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần.
+ Cận lâm sàng:
Nội soi dải tần ánh sáng hẹp (Narrow Band Imaging-NBI): Nội soi NBI có thể phát hiện tình trạng tăng sinh mạch máu trong ung thư vòm họng giai đoạn sớm
Phương thức sàng lọc dựa trên huyết thanh học và EBV-DNA ứng dụng trong cộng đồng nguy cơ cao:
Xét nghiệm DNA-EBV tăng trong quá trình theo dõi được liên quan tới việc chẩn đoán UTVMH sau đó.
Sàng lọc ung thư tuyến giáp
- Một số yếu tố nguy cơ của ung thư giáp:
+ Người được điều trị xạ hoặc phơi nhiễm với phóng xạ vùng đầu cổ, đặc biệt khi còn bé.
+ Có tiền sử bướu cổ
+ Tiền sử gia đình: tiền sử/người thân có tiền sử với một số căn bệnh về tuyến giáp như: ung thư biểu mô tuyến giáp, đa polyp có tính chất gia đình (familial adenomatous polyposis-FAP), u tân sinh đa tuyến nội tiết typ 2 (multiple endocrine neoplasia type 2 syndrome-MEN2), bệnh Cowden
- Các biện pháp sàng lọc ung thư tuyến giáp:
+ Khám lâm sàng, phát hiện các khối vùng cổ.
+ Siêu âm tuyến giáp
Test để sàng lọc ung thư tuyến giáp từ những người không có triệu chứng ( hiện tại chưa có các test sàng lọc định kỳ chuẩn cho ung thư tuyến giáp. Một số xét nghiệm có thể được chỉ định như: định lượng Calcitonin, định lượng thyroglobulin (TG), anti TG, kháng thể kháng enzyme Thyroid Peroxidase (Anti TPO - Thyroid Antibody).
- Sàng lọc một số ung thư khác: Ung thư thanh quản, hạ họng:
+ Biện pháp sàng lọc:
Khám lâm sàng
Nội soi (nội soi ánh sáng trắng, nội soi NBI, nội soi huỳnh quang).
Dự phòng bước ba:
- Theo dõi các bệnh nhân ung thư đầu cổ sau điều trị để có thể chẩn đoán sớm tái phát và/hoặc chẩn đoán ung thư thứ hai.
- Sử dụng các biện pháp can thiệp trên các bệnh nhân ung thư đầu cổ đã được điều trị bằng các tác nhân chống lại các yếu tố gây ung thư và kết hợp với các tác nhân có tác dụng giảm nguy cơ ung thư thứ hai.
Nhìn chung hiện nay vẫn chưa có chiến lược cụ thể sàng lọc ung thư biểu mô vảy đầu cổ. Do vậy những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao thì nên hết sức để ý đến những triệu chứng của bệnh để có thể đi khám, phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, điều trị kịp thời.
Tại bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang hiện nay với đội ngũ nhân viên y tế chuyên môn cao kết hợp với nhiều trang thiết bị hiện đại đã triển khai một số gói tầm soát ung thư trong đó có ung thư giáp, ung thư vòm – thanh quản.
Tóm lại, việc dự phòng tốt tạo nhiều cơ hội tốt nhất cho bệnh nhân trong việc tăng hiệu quả kiểm soát bệnh. Bạn nên đi khám sức khoẻ định kỳ để có cuộc sống lành mạnh hơn.
Thông tin liên hệ: Khoa Nội I - Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang.
Nguồn: Lê Văn Quảng (2020), "Ung thư đầu cổ", Nhà xuất bản Y học.
Tác giả: quyen quang
Nguồn tin: Khoa nội 2 - Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang