THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP HẠN CHẾ TÌNH TRẠNG VỨT RÁC KHÔNG ĐÚNG NƠI QUY ĐỊNH TRONG BỆNH VIỆN

Thứ năm - 04/04/2024 21:27
THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP HẠN CHẾ TÌNH TRẠNG VỨT RÁC KHÔNG ĐÚNG NƠI QUY ĐỊNH TRONG BỆNH VIỆN
Bệnh viện là nơi khám, điều trị cho người dân khi bị ốm đau, bệnh tật, đồng thời cũng là nơi có thể phát tán nhiều mầm bệnh nguy hiểm nếu không được xử lý và có biện pháp phòng ngừa tốt. Do đó môi trường trong bệnh viện luôn đòi hỏi phải sạch sẽ. Tuy nhiên tình trạng vứt rác bừa bãi trong khuôn viên bệnh viện vẫn diễn ra khá phổ biến gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh và nhân viên y tế, làm mất mỹ quan bệnh viện.
Tình trạng vứt rác bừa bãi trong khuôn viên bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang vẫn còn diễn ra khá thường xuyên. Không khó để có thể nhận ra người bệnh vứt rác ở khắp mọi nơi, ở mọi ngóc ngách, mọi vị trí. Phổ biến nhất là việc xả rác ra khuôn viên ngoại cảnh, bồn cây, dưới các tán cây hay vị trí đặt ghế đá, bàn đá. Dọc hai bên phía ngoài cửa sổ của những buồng bệnh, hàng ngày đều được công nhân vệ sinh quét dọn nhưng chỉ sau bữa ăn trưa hoặc tối thì lại ngập rác do người bệnh vô tư vứt ra. Các hành lang, lối đi chung, thậm chí cả những chậu cây cảnh vốn để trang trí làm đẹp cũng bị người bệnh vứt đầy rác trong chậu. nhiều người không có ý thức bỏ rác vào thùng mà vứt ngay bên cạnh, mặc kệ rác văng tứ tung. Rác thì cũng đủ loại từ vỏ bánh kẹo, vỏ hoa quả, thức ăn thừa, giấy ăn, đầu mẩu các loại thuốc lá, bã chè, thuốc lào… không thiếu một thứ gì.
Bàn ăn trong căng tin bệnh viện luôn bố trí thùng rác phía dưới nhưng nhiều người vẫn vứt thức ăn thừa, rác xuống nền nhà. Chuyện bồn cầu, đường ống thoát sàn nhà vệ sinh, bồn rửa tay bị tắc thì xảy ra như cơm bữa. Khi khảo sát và sửa chữa thì mới thấy đủ các loại rác từ tóc, thức ăn thừa, giấy vệ sinh, thậm chí cả những chiếc băng vệ sinh hay bỉm cũng được người bệnh vứt thẳng vào đó mặc dù có sẵn ngay thùng rác bên cạnh. Nhiều bồn rửa tay, bồn vệ sinh đã không thể sửa chữa và phải dừng hoạt động. Có lẽ cuộc sống sinh hoạt của con người thải ra những gì thì đều xuất hiện trong khuôn viên bệnh viện.

Rác được người bệnh vứt ở mọi nơi
Bệnh viện đã có nhiều hoạt động nhằm cải thiện tình trạng trên như xây dựng kế hoạch, tổ chức các buổi chủ nhật xanh, huy động cả viên chức, người lao động kết hợp với công nhân công ty vệ sinh công nghiệp tham gia tổng vệ sinh môi trường hàng tuần. Các loại biển cảnh báo, biển hướng dẫn bỏ rác đúng nơi quy định được lắp đặt, bố trí đầy đủ tại các nơi tập trung đông người nhưng giường như chẳng có chút tác động hay khiến người bệnh và thân nhân của họ có ý thức hơn. Trong nhiều cuộc họp hội đồng người bệnh hoặc khi đi giám sát, cũng đã có những ý kiến, nhắc nhở và kêu gọi người bệnh và người nhà cần tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, vứt rác đúng nơi quy định nhưng không đem lại nhiều hiệu quả như mong đợi. Những hành động vô ý thức vẫn diễn ra hàng ngày.
Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng trên? Có rất nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là ở ý thức của người bệnh và thân nhân của họ đã được hình thành từ rất lâu, cá biệt có những người cố tình xả rác bừa bãi nên việc thay đổi ngay là điều rất khó khăn. Có một thực tế đáng buồn là nhiều người nghĩ rằng, việc vứt bỏ một chiếc túi bóng, một ống hút nhựa hay một chiếc cốc nhựa là việc quá nhỏ, không đủ để làm ô nhiễm môi trường. Thậm chí một số người cho rằng việc giữ gìn vệ sinh là do nhân viên vệ sinh và bệnh viện phải làm. Có một câu chuyện thế này, khi một công nhân vệ sinh vừa lau dọn xong phòng bệnh thì một người bệnh ngang nhiên vứt mẩu giấy ăn ra sàn. Người công nhân vệ sinh nhắc nhở thì nhận được một câu trả lời mang đầy sự thách thức rằng đấy là việc của các bà, tôi nằm viện mất tiền thì tôi có quyền. Hay một buổi chiều nọ, quanh một chiếc bàn đá trong khuôn viên bệnh viện có cả già, trẻ, trai, gái (khoảng 6-7 người, có lẽ là một gia đình) đang ngồi vui vẻ nói chuyện và ăn bánh, kẹo, hoa quả, cắn hạt hướng dương. Điều đáng nói là vỏ hướng dương, vỏ bánh kẹo họ vứt luôn xuống nền gạch và bồn cây xung quanh. Cách vị trí họ ngồi khoảng 4m là chiếc thùng rác nhưng họ không có ý vứt rác vào đó. Có thể thấy, những sự việc trên diễn ra thể hiện ý thức rất kém của nhiều người dân khi vào bệnh viện. Nhiều người vào bệnh viện luôn nghĩ rằng khi mình phải bỏ tiền ra thì mình có quyền đòi hỏi, có quyền làm những việc mình thích, thậm chí đòi hỏi cả những điều rất phi lý. Bản thân họ yêu cầu bệnh viện phải đảm bảo môi trường điều trị sạch sẽ nhưng có điều trái ngược là chính họ lại không có ý thức giữ gìn môi trường ấy.
Nhiều người vứt rác bừa bãi cũng do thói quen hàng ngày trong sinh hoạt tại gia đình hoặc cộng đồng nơi sinh sống, việc vứt bỏ rác ra xung quanh là việc khá thường xuyên hình thành cho họ một phản xạ tự nhiên và khi vào trong bệnh viện, họ vẫn làm vậy. Một phần nguyên nhân nữa là do việc giám sát, nhắc nhở và giáo dục người bệnh thực hiện các nội quy, quy định khi vào bện viện chưa được coi trọng đúng mức. Hiện nay, chúng ta mới chỉ tập trung vào công tác khám, chữa bệnh, hướng tới hài lòng nhiều hơn cho người bệnh nhưng ngược lại chưa chú trọng giáo dục, nhắc nhở người bệnh phải tuân thủ nội quy, quy định của bệnh viện. Các hoạt động giáo dục người bệnh còn nghèo nàn, đơn điệu, thiếu sự tương tác hai chiều giữa bệnh viện và người bệnh, thiếu biện pháp mang tính răn đe nên chưa tạo ra sự đột phá và thay đổi tích cực.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ví dụ như phạt tiền từ 100.000 đồng – 150.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu mẩu và tàn thuốc là không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng. Tuy nhiên, việc áp dụng các điều luật trên là khó khả thi trong môi trường bệnh viện.
Để khắc phục tình trạng trên cần áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp nhưng theo tôi quan trọng nhất là vấn đề giáo dục người bệnh. Trong tiêu chuẩn về chất lượng bệnh viện của JCI (Joint Commission International), một trong những nội dung quan trọng nhất và được đặt lên hàng đầu khi đánh giá chất lượng các bệnh viện đó là vấn đề giáo dục người bệnh. Việc giáo dục người bệnh đem lại nhiều lợi ích như tăng cường sự phối hợp trong chăm sóc, điều trị, tăng cường sự tương tác giữa nhân viên y tế và người bệnh, cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho người bệnh trong chăm sóc và điều trị, đặc biệt là nghĩa vụ của họ khi vào bệnh viện. Từ đó, dẫn tới những thay đổi trong nhận thức, nâng cao sự hợp tác, ý thức phối hợp của người bệnh. Đồng thời việc giáo dục người bệnh cũng thể hiện tính chuyên nghiệp, tạo môi trường hài hòa trong bệnh viện.
Ngoài ra, Bệnh viện cũng cần cải tạo lại khuôn viên viên, tạo không gian xanh, thoáng đãng, bổ xung thêm thùng chứa rác và sắp xếp lại vị trí cho hợp lý nhằm thúc đẩy hành vi tích cực của người bệnh. Các biển báo, biển cảnh báo bỏ rác đúng nơi quy định cần được thiết kế sinh động, trực quan hơn…
Tóm lại, việc giữ gìn vệ sinh môi trường quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người dân khi vào bệnh viện. Về phía Bệnh viện cũng cần có các biện pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm thúc đẩy hành vi tích cực của người bệnh. Có như vậy thì mới hạn chế được tình trạng vứt rác bừa bãi, tạo được môi trường bệnh viện Xanh – Sạch – Đẹp, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị cho người bệnh.
 

Tác giả: quyen quang

Nguồn tin: Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập48
  • Máy chủ tìm kiếm33
  • Khách viếng thăm15
  • Hôm nay13,281
  • Tháng hiện tại51,207
  • Tổng lượt truy cập13,910,056
Bộ Y tế
Sở Y tế tỉnh Bắc Giang
Phap Diem
dmdc
giam dinh
tracuu
Cục quản lý khám chữa bệnh
chat luong
Cục quản lý Dược
dau thau
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi