XẠ TRỊ - NHỮNG ĐIỀU BỆNH NHÂN CẦN BIẾT
quyen quang
2024-05-05T20:47:12-04:00
2024-05-05T20:47:12-04:00
https://bvungbuoubg.com/tin-trong-nganh/e-859.html
https://bvungbuoubg.com/uploads/news/2024_05/image-20240506074642-1.jpeg
Bệnh viện Ung Bướu tỉnh Bắc Giang
https://bvungbuoubg.com/uploads/untitled2.png
Thứ năm - 25/04/2024 20:03
XẠ TRỊ - NHỮNG ĐIỀU BỆNH NHÂN CẦN BIẾT
» Xạ trị là gì?
Xạ trị là một trong những phương pháp phổ biến nhất trong điều trị ung thư. Phương pháp này sử dụng các hạt hoặc sóng có năng lượng cao như: tia X, tia Gamma, các chùm tia điện tử, proton… để tiêu diệt hoặc phá hỏng các tế bào ung thư.
Xạ trị có thể được tiến hành độc lập hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị khác như: phẫu thuật, hóa trị. Trên thực tế, có những loại thuốc làm tế bào ung thư trở nên nhạy với bức xạ hơn, nhờ đó giúp phương pháp xạ trị tiêu diệt tế bào ung thư tốt hơn.
Có nhiều cách khác nhau để điều trị bằng tia xạ: xạ trị chiếu ngoài, xạ trị áp sát hoặc cho bệnh nhân uống, tiêm các thuốc chứa đồng vị phóng xạ.
» Mục đích của xạ trị: Mục đích của xạ trị là tiêu diệt các tế bào ung thư đồng thời bảo tồn đối với các tế bào bình thường. Xạ trị có thể được sử dụng để điều trị nhiều loại ung thư ở hầu hết các bộ phận của cơ thể.
» Ai là người điều trị xạ trị cho bệnh nhân
Trong suốt quá trình xạ trị, bệnh nhân sẽ được chăm sóc, điều trị bởi một nhóm chuyên gia y tế. Nhóm này gồm các thành phần:
- Bác sỹ chuyên khoa về xạ trị: Bác sỹ chuyên khoa về xạ trị là người được đào tạo chuyên môn để điều trị ung thư bằng bức xạ. Đây là người chịu trách nhiệm chính về kế hoạch và quá trình điều trị của bệnh nhân.
- Kĩ sư vật lý y học: Kĩ sư vật lý y học là người đảm bảo chất lượng của các thiết bị xạ trị, đảm bảo máy móc thiết bị xạ trị sẽ phát ra liều điều trị như phác đồ bác sỹ xạ trị đưa ra. Đồng thời kĩ vật lý y học cũng là người hỗ trợ các bác sỹ lập kế hoạch điều trị xạ trị.
- Kĩ thuật viên xạ trị: Kĩ thuật viên xạ trị là người vận hành thiết bị xạ trị và đặt bệnh nhân điều trị hàng ngày.
- Điều dưỡng xạ trị: Những điều dưỡng này được đào tạo đặc biệt về điều trị ung thư và họ sẽ đưa cho bệnh nhân các thông tin về xạ trị cũng như theo dõi các tác dụng phụ trong xạ trị.
Bệnh nhân điều trị xạ trị cũng có thể cần đến sự chăm sóc của các chuyên gia dinh dưỡng, vật lý trị liệu hoặc các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác.
» Bệnh nhân xạ trị có cần cách ly với những người xung quanh
Bệnh nhân xạ trị có thể được chia làm hai nhóm:
- Nhóm 1: Bệnh nhân điều trị tia xạ ngoài. Những bệnh nhân nhóm này không phải là nguồn bức xạ nên không cần cách ly với những người xung quanh.
- Nhóm 2: Bệnh nhân điều trị xạ trị áp sát hoặc sử dụng thuốc phóng xạ qua đường uống, tiêm. Những bệnh nhân nhóm này là nguồn phóng xạ, cần phải cách ly với những người xung quanh. Thông thường những bệnh nhân này phải cách ly một thời gian tại bệnh viện và chỉ được xuất viện khi đã được đánh giá là an toàn cho những người tiếp xúc. Đặc biệt, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ cần cách ly với bệnh nhân trong thời gian lâu hơn.
» Sự khác biệt về liều bức xạ của điều trị xạ trị so với chụp chẩn đoán
Trong điều trị xạ trị, liều bức xạ tới khối u lớn hơn vài nghìn lần so với liều mà một bệnh nhân nhận trong chụp X-quang chẩn đoán.
» Xạ trị có phải là phương pháp an toàn và hiệu quả?
Xạ trị là một phương pháp điều trị tốt, an toàn và hiệu quả. Mỗi năm, có hàng triệu bệnh nhân được điều trị xạ trị để chữa trị và kiểm soát các triệu chứng của bệnh ung thư. Bên cạnh đó, một số bệnh lành tính cũng có chỉ định xạ trị. Tuy nhiên, giống như các các phương pháp điều trị ung thư khác, xạ trị cũng có những tác dụng phụ không mong muốn.
Thông tin liên hệ: BS.CKI. Nguyễn Ngọc Toản- Trưởng khoa Xạ.
SĐT: 098 230 9179
Tác giả: quyen quang
Nguồn tin: Khoa xạ - Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang: