.PHÙ TAY VOI TRONG UNG THƯ VÚ
Ung thư vú là loại ung thư thường gặp và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư ở phụ nữ trên toàn thế giới. Theo GLOBOCAN 2020 ung thư vú là một trong năm loại ung thư phổ biến nhất Việt Nam, chiếm 11.8%. Các yếu tố nguy cơ mắc ung thư vú bao gồm tuổi cao, tiếp xúc với các chất sinh ung thư trong môi trường, hút thuốc lá, uống rượu, thừa cân, béo phì, ít vận động và một số yếu tố di truyền.
Ung thư vú là một trong những bệnh ung thư có nhiều phương pháp điều trị nhất. Các phương pháp điều trị chính: Phẫu thuật, xạ trị, điều trị hóa chất, điều trị nội tiết, điều trị đích, miễn dịch.
Phù tay voi là một biến chứng thường gặp trong điều trị ung thư vú.
Nguyên nhân là việc phẫu thuật hay xạ trị tại vú và nách làm mất tính toàn vẹn của hệ bạch huyết xung quanh, dẫn đến ứ trệ dịch bạch huyết, từ đó gây phù tay. Tuy đây không phải là một biến chứng gây nguy hiểm tính mạng nhưng có thể làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Một số các yếu tố làm tăng nguy cơ phù tay như: Có di căn hạch nách, phẫu thuật hay xạ trị vào vùng nách, béo phì, nhiễm trùng...
Triệu chứng phổ biến nhất của phù tay là sưng dần ở một hoặc cả hai cánh tay từ bả vai đến các ngón tay. Người bệnh bị đau, nhức, nặng nề cánh tay, hạn chế vận động.
Phù tay có thể xuất hiện sớm hoặc muộn, thường sau 2 năm sau điều trị và có thể bị khởi phát bởi nhiễm trùng hay chấn thương. Ngoài ra phù tay còn có hai dạng biểu hiện cấp tính và mạn tính.
- Biểu hiện cấp tính: Xuất hiện sớm sau phẫu thuật và có thể thoáng qua hoặc kéo dài trong vòng 3-6 tháng.
- Biểu hiện mãn tính: Phù tay xuất hiện tăng dần và kéo dài ít nhất 3 tháng. Khi đã bị phù tay mãn tính, tình trạng này có thể kiểm soát nhưng thường không thể hồi phục hoàn toàn.
Điều trị phù tay nên phối hợp nhiều biện pháp để mang lại hiệu quả tốt nhất và nên bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt. Một số biện pháp điều trị phù tay được khuyến cáo bao gồm: Chăm sóc da, tập thể dục, băng ép bằng găng tay hoặc gạc quấn, phẫu thuật…
Một số biện pháp giúp phòng ngừa phù tay voi:
- Nâng cao tay
+ Nâng tay ở vị trí cao hơn tim nhưng dưới vai khi bạn ngồi nghỉ, bằng cách đặt một chiếc gối nhỏ dưới cẳng tay.
+ Không nên nâng cao tay quá vai quá lâu.
+ Không nên để tay ở cùng một vị trí quá lâu.
- Chăm sóc da cẩn thận
- Tránh viêm nhiễm hay chấn thương
- Tập thể dục
- Các phương pháp khác:
+ Giữ cân nặng lý tưởng bằng chế độ ăn hợp lý và tăng cường vận động.
+ Ngoài ra, bạn nên đo kích thước 2 tay thường xuyên. Dù đây không phải là một biện pháp phòng ngừa nhưng nó giúp phát hiện phù tay ở giai đoạn sớm và có nhiều phương pháp kiểm soát tốt hơn.