SOI PHẾ QUẢN VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Thứ năm - 25/04/2024 20:03
SOI PHẾ QUẢN VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
1. Soi phế quản là gì?
Nội soi phế quản hay soi phế quản là một thủ thuật để nhìn trực tiếp vào đường dẫn khí trong phổi bằng cách sử dụng một ống mỏng, có gắn nguồn sáng và máy thu hình trong suốt quá trình thực hiện.
Ngã vào của nội soi phế quản được đặt trong mũi hoặc miệng. Ống nội soi sẽ đưa di chuyển xuống cổ họng, qua khí quản, vào phế quản và các cấp phân chia. Nhờ đó, bác sĩ có thể quan sát thấy toàn bộ đường dẫn khí như thanh quản, khí quản, phế quản và các nhánh nhỏ của phế quản là tiểu phế quản.
Có hai loại ống soi phế quản: ống soi cứng và ống soi mềm. Mỗi loại có những ưu điểm riêng và được ứng dụng trong từng bệnh cảnh khác nhau.
Ống soi phế quản cứng là một ống thẳng và chỉ dùng để xem đường thở trên, kích thước lớn. Ống được sử dụng trong phế quản để hút lấy một lượng lớn dịch tiết hoặc máu, kiểm soát chảy máu, loại bỏ dị vật hay mô bệnh, mô tổn thương và làm các can thiệp như đặt ống thông hoặc các phương pháp điều trị khác.
Ống soi phế quản mềm được sử dụng thường xuyên hơn. So với ống soi phế quản cứng, ống soi phế quản mềm linh hoạt hơn và có thể di chuyển xuống các đường dẫn khí nhỏ hơn như tiểu phế quản. Nhờ đó, ống soi phế quản mềm có thể được sử dụng đặt một ống thở trong đường thở để giúp cung cấp oxy, hút ra dịch tiết, lấy mẫu mô làm sinh thiết hay bơm thuốc điều trị vào phổi.
2. Khi nào cần nội soi phế quản?
Nội soi phế quản có thể được thực hiện để chẩn đoán và điều trị các vấn đề về phổi như:
Khối u hoặc ung thư phế quản
Tắc nghẽn đường thở
Viêm và nhiễm trùng như bệnh lao, viêm phổi do nấm hoặc ký sinh trùng
Bệnh phổi mô kẽ
Tìm nguyên nhân gây ho dai dẳng
Tìm nguyên nhân gây ho ra máu
Có các tổn thương dạng đốm nhìn thấy trên X-quang ngực
Dây thanh âm bị liệt
Các thủ thuật chẩn đoán hoặc điều trị có thể được thực hiện với nội soi phế quản:
Sinh thiết mô
Lấy mẫu đờm
Bơm rửa phổi
Loại bỏ dịch tiết, máu, chất nhầy hoặc khối tăng trưởng (polyp) để làm thông đường thở
Kiểm soát chảy máu trong phế quản
Loại bỏ vật lạ hoặc vật gây tắc nghẽn
Liệu pháp laser hoặc xạ trị cho khối u phế quản
Đặt một ống thông để giữ cho đường thở mở (đặt stent)
Giải thoát ổ mủ (áp xe)

Ung thư phế quản được chỉ định soi phế quản
3. Soi phế quản cần chuẩn bị gì?
Người bệnh không cần thiết có những chuẩn bị đặc biệt trước khi thực hiện nội soi phế quản. Tuy nhiên, người bệnh cần được dặn dò nhịn ăn từ nửa đêm vào trước buổi sáng ngày nội soi nhằm tránh nguy cơ hít sặc dịch thức ăn cũ từ dạ dày trong quá trình thao tác.
Quy trình nội soi phế quản như sau:
Trước khi làm thủ thuật, bác sĩ sẽ phun thuốc gây tê cục bộ vào mũi và cổ họng để làm tê khu vực này. Nhiều bệnh nhân cũng có thể cần dùng thuốc an thần để giúp họ thư giãn. Bác sĩ cũng sẽ chỉ định gây mê toàn thân trong những trường hợp cần sử dụng ống soi phế quản cứng.
Sau khi thuốc tê hay thuốc mê có hiệu lực, bác sĩ sẽ bổ sung oxy vào khí hít vào cho người bệnh và bắt đầu đưa ống nội soi phế qua mũi vào cổ họng và vào phế quản. Đèn và camera soi phế quản giúp bác sĩ nhìn rõ đường thở, nhất là qua các khúc cua và chỗ hẹp.
Nếu bác sĩ cần đặt stent hoặc sinh thiết, các dụng cụ có thể được đưa vào thực hiện tại chỗ trong quá trình nội soi.
Nếu bác sĩ cần thu thập các tế bào và chất lỏng trong đường thở, phế quản sẽ được bơm rửa với dung dịch nước muối sinh lý và hút lấy dịch rửa. Bác sĩ sau đó sẽ kiểm tra bệnh phẩm thu được dưới kính hiển vi.
Trong quá trình nội soi phế quản, bác sĩ có thể siêu âm để có được hình ảnh rõ ràng hơn về các hạch và mô trong và xung quanh phế quản
Thuốc an thần được sử dụng trong quá trình nội soi để giảm căng thẳng cho người bệnh
4. Thời gian hồi phục sau nội soi phế quản như thế nào?
Nội soi phế quản là một thủ thuật tương đối nhanh chóng và không đau đớn.
Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần ở lại bệnh viện trong vài giờ cho đến khi thuốc tê hay thuốc mê hết tác dụng. Huyết áp và nhịp thở cũng được theo dõi sát trong thời gian này để kiểm tra các biến chứng.
Khi người bệnh có lại phản xạ ho, thường trong vòng 2 giờ, đây là điều kiện an toàn để ăn và uống lại qua đường miệng. Đồng thời, nếu nội soi có dùng thuốc an thần, người bệnh nên tránh lái xe, vận hành máy móc và uống rượu trong 24 giờ tiếp theo.
Hầu hết mọi người đều có thể trở lại hoạt động bình thường sau 24 giờ. Tuy vậy, một số người có thể bị đau họng và khàn giọng trong vài ngày tiếp theo.

Người bệnh dùng thuốc an thần tránh lái xe sau khi nội soi
5. Những nguy cơ có thể gặp phải của nội soi phế quản
Trong hầu hết các trường hợp, ống nội soi phế quản mềm thường được sử dụng nhiều hơn so với ống cứng. Nhờ có tính linh hoạt, quá trình thực hiện thủ thuật có ít nguy cơ làm tổn thương nhu mô trên đường thở. Hơn nữa, ống mềm cũng cho phép bác sĩ thực hiện thủ thuật tốt hơn cũng như khả năng tiếp cận đến các khu vực nhỏ hơn của đường thở.
Tuy nhiên, tương tự như các can thiệp khác, nội soi phế quản cũng có thể tiềm ẩn một số rủi ro như chảy máu, nhiễm trùng, thủng phế quản, kích thích gây co thắt phế quản, co thắt thanh quản, tràn khí màng phổi,... Chính vì vậy, nếu có bất kỳ triệu chứng nào bất thường sau khi thực hiện nội soi phế quản, cần đến khám lại ngay để được kiểm tra và kịp thời xử lý.
Tóm lại, nội soi phế quản nhìn chung là một thủ thuật vừa chẩn đoán, vừa can thiệp trên đường thở tương đối an toàn với ít nguy cơ gặp phải biến chứng. Bệnh nhân luôn được sử dụng thuốc gây tê tại chỗ và thuốc an thần để hoàn toàn thoải mái và thư giãn trong quá trình thực hiện.

Tác giả: quyen quang

Nguồn tin: nội soi thăm dò chức năng,:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập40
  • Máy chủ tìm kiếm32
  • Khách viếng thăm8
  • Hôm nay8,039
  • Tháng hiện tại292,328
  • Tổng lượt truy cập13,690,544
Bộ Y tế
Sở Y tế tỉnh Bắc Giang
Phap Diem
dmdc
giam dinh
tracuu
Cục quản lý khám chữa bệnh
chat luong
Cục quản lý Dược
dau thau
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi