Đặt catheter tĩnh mạch ngoại vi là thủ thuật xâm lấn rất cần thiết và phổ biến nhất được thực hiện trên người bệnh nhập viện cho các mục đích khác nhau như đưa thuốc, dịch, máu, chất dinh dưỡng… vào cơ thể. Đặt catheter tĩnh mạch ngoại vi có thể gây ra nhiều biến chứng như thoát mạch, thâm nhiễm, viêm tĩnh mạch, hoại tử tại chỗ, nhiễm khuẩn huyết… Viêm tĩnh mạch (viêm tĩnh mạch liên quan đến kim luồn) là sự viêm nhiễm của lớp áo trong của thành tĩnh mạch, thường là tĩnh mạch chi trên. Viêm tĩnh mạch là một biến chứng thường gặp liên quan đến việc sử dụng catheter tĩnh mạch ngoại vi gây cho người bệnh đau đớn, khó chịu và lo lắng. Biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra do viêm tĩnh mạch nhiễm khuẩn có khả năng phát triển thành nhiễm khuẩn huyết toàn thân, kéo dài thời gian nằm viện, làm tăng cả chi phí chăm sóc sức khỏe và tỷ lệ tử vong. Mặc dù xảy ra với tỷ lệ thấp hơn nhiều so với nhiễm khuẩn huyết liên quan đến catheter tĩnh mạch trung tâm nhưng do số lượng catheter tĩnh mạch ngoại vi sử dụng rất lớn, thời gian tích lũy của catheter tĩnh mạch ngoại vi lưu cao gấp nhiều lần so với nhiễm khuẩn huyết liên quan đến catheter tĩnh mạch trung tâm nên các nhiễm khuẩn huyết liên quan đến catheter tĩnh mạch ngoại vi cũng được thừa nhận là một trong những nhiễm khuẩn bệnh viện quan trọng. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng viêm tĩnh mạch do đặt catheter tĩnh mạch ngoại vi như tác nhân hóa học (các loại thuốc, hóa chất …sử dụng cho người bệnh), tác nhân cơ học (kích thước, chất liệu kim luồn…), tác nhân vi sinh vật (các vi khuẩn gây bệnh), cơ địa của người bệnh.
Mỗi năm ở Mỹ có khoảng hơn 150 triệu catheter đặt vào lòng mạch với mục đích đưa thuốc, dịch các loại, máu và các sản phẩm của máu, dinh dưỡng ngoài đường tiêu hóa, theo dõi huyết động và lọc máu. Theo giám sát quốc gia ở Mỹ có xấp xỉ khoảng 80.000 nhiễm khuẩn huyết có liên quan tới đặt catheter trên tổng số 250.000 ca nhiễm khuẩn huyết hằng năm và là nguyên nhân gây ra 2.400 - 20.000 ca tử vong/ năm. Tại Việt Nam, tỷ lệ viêm tại chỗ sau đặt catheter khác nhau tùy thuộc vào nghiên cứu, dao động từ (2,2% - 32,5%). Do đó, phát hiện sớm, xử lý kịp thời là cần thiết để giảm biến chứng nhiễm khuẩn huyết liên quan đến đặt catheter.
Năm 2024, Hiệp hội điều dưỡng tiêm truyền Mỹ đã ban hành tiêu chuẩn thực hành tiêm truyền – INS 2024, trong đó có Thang đo viêm tĩnh mạch nhìn thấy được (VIP SCORE) với 5 mức độ (từ 0 – 5 điểm).
Cụ thể :
Triệu chứng/dấu hiệu |
Thang điểm |
Xử trí |
Vùng đặt catheter bình thường |
0 |
Không có biểu hiện viêm tĩnh mạch
QUAN SÁT VỊ TRÍ TIÊM |
Có một trong số các biểu hiện sau:
- Đau nhẹ gần vị trí đặt catheter hoặc
- Vùng da xung quanh đặt catheter ửng đỏ |
1 |
Dấu hiệu đầu tiên của viêm tĩnh mạch
QUAN SÁT VỊ TRÍ TIÊM |
Có hai trong số các biểu hiện sau:
- Đau tại vị trí đặt
- Tấy đỏ
- Sưng |
2 |
Giai đoạn đầu của viêm tĩnh mạch
ĐẶT LẠI CATHETER |
Có tất cả các biểu hiện sau:
Đau dọc theo đường tĩnh mạch đặt kim/catheter, tấy đỏ, chai cứng |
3 |
Giai đoạn giữa của viêm tĩnh mạch
ĐẶT LẠI CATHETER
XEM XÉT ĐIỀU TRỊ |
Tất cả các biểu hiện sau và diện rộng:
Đau dọc theo đường tĩnh mạch đặt kim/catheter, tấy đỏ, chai cứng, sờ thấy tĩnh mạch |
4 |
Giai đoạn cuối của viêm tĩnh mạch hoặc giai đoạn đầu của viêm tĩnh mạch huyết khối
ĐẶT LẠI CATHETER
XEM XÉT ĐIỀU TRỊ |
Tất cả các biểu hiện sau và diện rộng:
Đau dọc theo đường tĩnh mạch đặt kim/catheter, tấy đỏ, chai cứng, sờ thấy tĩnh mạch, sốt |
5 |
Giai đoạn viêm tĩnh mạch huyết khối
ĐẶT LẠI CATHETER
ĐIỀU TRỊ |
Hình ảnh dấu hiệu đầu tiên của viêm tĩnh mạch trên bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang
Để hạn chế tối đa tình trạng viêm tĩnh mạch do đặt catheter ngoại vi, cần áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp. Cụ thể:
- Viêm tĩnh mạch cơ học: sử dụng kim cỡ nhỏ nhất có thể, đảm bảo kim luồn được cố định tốt, tránh các vị trí nếp gấp/khớp, tốc độ truyền phù hợp theo chỉ định của bác sĩ, hạn chế thao tác trực tiếp tại cổng kết nối kim luồn, chọn lựa kim luồn chất liệu phù hợp giảm viêm tĩnh mạch cơ học như chất liệu Vialon.
- Viêm tĩnh mạch hóa học: đợi da khô hoàn toàn sau khi dùng dung dịch sát khuẩn da, hoàn nguyên thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc tham vấn khoa dược đảm bảo độ thẩm thấu phù hợp khi truyền qua đường truyền ngoại vi, cân nhắc đặt PICC hay nhiễm khuẩn huyết nếu truyền/thực hiện các loại thuốc/dịch truyền có nồng độ thẩm thấu cao (>900 mOsm/L); các loại dịch dinh dưỡng toàn phần (TPN), các loại thuốc nhất định (phụ thuộc vào liều và thời gian truyền), như KCl, amiodarone, một số loại kháng sinh…
- Viêm tĩnh mạch do vi khuẩn: đảm bảo tuân thủ nguyên tắc vô khuẩn không chạm, cân nhắc rút kim luồn sau 24-48h nếu như kim luồn được đặt trong điều kiện không đảm bảo vô khuẩn.
Theo dõi sát vị trí rút kim tối thiểu 48 giờ để phát hiện kịp thời biến chứng viêm tĩnh mạch.
Tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang, hầu hết bệnh nhân điều trị nội trú đều được đặt kim/catheter tĩnh mạch nhằm sử dụng thuốc, bổ sung dinh dưỡng cho người bệnh, đặc biệt là hóa chất điều trị ung thư. Hóa chất điều trị ung thư là loại dược phẩm đặc biệt, có độc tính cao, nhiều tác dụng phụ toàn thân, đồng thời cũng có nhiều nguy cơ gây biến chứng tại vị trí tiêm/truyền như thoát mạch, viêm tĩnh mạch… Do vậy, quá trình điều trị cần theo dõi, chăm sóc phù hợp và sát sao nhằm kịp thời phát hiện sớm dấu hiệu của viêm tĩnh mạch để xử trí và điều trị kịp thời, không để xảy ra biến chứng nặng cho bệnh nhân.