Bắc Giang: Đột phá trong phát triển
y tế chất lượng cao
(BGĐT) - Những năm gần đây, ngành Y tế tỉnh Bắc Giang đã phát triển nhiều chuyên khoa mũi nhọn, áp dụng kỹ thuật mới, hiện đại, không ngừng nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị.
Triển khai thành công nhiều kỹ thuật cao
Gần đây, nhiều kỹ thuật y khoa chuyên sâu vượt tuyến triển khai thành công ở một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh, được Bộ Y tế đánh giá tương đương tuyến T.Ư. Qua đánh giá, Bắc Giang đang có thế mạnh phát triển các lĩnh vực can thiệp tim mạch (thông tắc, nong rộng những chỗ hẹp, bít các điểm có lỗ thông bất thường của hệ thống tim, mạch máu); xạ trị, đốt khối u bằng vi sóng, phẫu thuật sọ não, thay khớp gối, hỗ trợ sinh sản. Đây là bước tiến vượt bậc trong việc phát triển kỹ thuật mới, tiền đề hình thành các trung tâm điều trị chất lượng, thu hút bệnh nhân.
Tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang, Khoa Hỗ trợ sinh sản mới thành lập từ tháng 5/2020 song đã mang đến niềm hạnh phúc cho nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn. Đặc biệt, từ năm 2018, đơn vị đã thực hiện thường quy phương pháp thụ tinh nhân tạo bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI). Trung bình mỗi tháng có từ 20- 25 ca, tỷ lệ thành công đạt 30% (tương đương Bệnh viện Phụ Sản T.Ư). Chị Nguyễn Thị Th, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) thực hiện thành công kỹ thuật này tháng 1/2020 tại đây, giờ đã sinh bé gái. Chị cho biết, sau 3 năm kết hôn chưa sinh con, hai vợ chồng anh chị quyết tâm dành dụm thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp bơm tinh trùng. Trước đây, trường hợp như vợ chồng chị thường phải ra bệnh viện chuyên khoa tại Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh để chữa trị.
Được biết, hiện tỷ lệ các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn gia tăng (7,7%) và độ tuổi ngày càng trẻ hóa. Tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ sinh sản, sắp tới, Khoa hỗ trợ sinh sản đưa kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) để nâng tỷ lệ điều trị vô sinh, hiếm muộn thành công cao hơn.
Bắc Giang đang có thế mạnh phát triển các lĩnh vực can thiệp tim mạch (thông tắc, nong rộng những chỗ hẹp, bít các điểm có lỗ thông bất thường của hệ thống tim, mạch máu); xạ trị, đốt khối u bằng vi sóng, phẫu thuật sọ não, thay các loại khớp gối, hỗ trợ sinh sản. |
Hướng đến điều trị triệt căn hiệu quả cho bệnh nhân ung thư, tháng 8/2020, Bệnh viện Ung bướu Bắc Giang thành lập Khoa Xạ trị. Từ nguồn hỗ trợ của dự án NORRED, bệnh viện đã xây dựng hầm xạ trị, đầu tư hệ thống máy móc hiện đại. Cùng đó, đơn vị đã triển khai kỹ thuật xạ trị bằng máy gia tốc tuyến tính - phương pháp tiên tiến nhất hiện nay giúp liều xạ tập trung cao vào khối u, hiệu quả cả với các u nhỏ, giai đoạn sớm, hoặc tái phát còn khu trú tại chỗ, hạn chế tối đa liều xạ vào các cơ quan lành lân cận, giảm tỷ lệ biến chứng.
Phương pháp này được đánh giá rất phù hợp với bệnh nhân lớn tuổi, thể trạng yếu, khó có thể trải qua lộ trình điều trị kéo dài. Hiện, ngoài tuyến T.Ư, kỹ thuật này mới chỉ thực hiện được ở một vài bệnh viện tuyến tỉnh có thể thay thế cho phẫu thuật cắt khối u ác tính có kích thước dưới 5 cm. Để thực hiện thường quy kỹ thuật này, Bệnh viện đã cử các nhóm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đi đào tạo tại Bệnh viện Ung bướu T.Ư, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108. Sau hơn 2 tháng triển khai, đã có 30 bệnh nhân ung thư được xạ trị tại đây, mở ra bước phát triển mới trong điều trị các bệnh lý về ung bướu tại Bắc Giang.
Phát triển các trung tâm chuyên sâu
Được biết, nhiều lĩnh vực chuyên sâu trước đây chỉ thực hiện được ở tuyến T.Ư nay đã áp dụng thành công ngay tại một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Y tế, các bệnh viện mới chỉ thực hiện kỹ thuật chuyên sâu riêng lẻ, chưa hình thành hệ thống xâu chuỗi các danh mục liên quan. Các kỹ thuật này cũng chỉ thực hiện được ở một số bệnh viện lớn như Đa khoa tỉnh, Ung bướu và Bệnh viện Sản- Nhi. Trong khi đó, tình trạng thiếu bác sĩ chuyên khoa sâu (toàn tỉnh mới có 111 bác sĩ chuyên khoa II) ở hầu hết các bệnh viện khiến việc triển khai các kỹ thuật cao còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng ở nhiều bệnh viện chưa đáp ứng yêu cầu vận hành trang thiết bị hiện đại.
Theo Giám đốc Sở Y tế Từ Quốc Hiệu, phát triển các trung tâm điều trị mũi nhọn tại các bệnh viện là nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thời gian tới. Các kỹ thuật thông thường sẽ được thực hiện ở trung tâm y tế huyện, TP. Riêng các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện chuyên khoa sẽ tập trung vào các chuyên ngành khó, kỹ thuật ít xâm lấn trong can thiệp điều trị.
Các kỹ thuật mới được triển khai đều dựa trên nhu cầu điều trị của người bệnh và sự liên kết kế thừa từ các kỹ thuật sẵn có mang lại hiệu quả tốt nhất. Trên nền tảng các kỹ thuật can thiệp phức tạp đã phát triển ở một số lĩnh vực mũi nhọn, tới đây, Sở Y tế sẽ chỉ đạo thành lập các trung tâm như: Can thiệp tim mạch; đột quỵ; bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh); hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Sản- Nhi); xạ trị (Bệnh viện Ung bướu); từng bước xây dựng Trung tâm ghép tạng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Về lâu dài, ngành y tế tiếp tục đào tạo nhân lực chuyên sâu, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại để triển khai các kỹ thuật khó.
Nguồn tin: Theo Báo Bắc Giang
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn