MỘT SỐ BÀI TẬP CHO BỆNH NHÂN SAU PHẪU THUẬT VÀ XẠ TRỊ UNG THƯ VÚ
2023-02-28T19:46:14-05:00
2023-02-28T19:46:14-05:00
http://bvungbuoubg.com/tin-trong-nganh/4-515.html
http://bvungbuoubg.com/uploads/news/2023_03/image-20230301074352-1.png
Bệnh viện Ung Bướu tỉnh Bắc Giang
http://bvungbuoubg.com/uploads/untitled2.png
Thứ tư - 08/02/2023 04:12
Bệnh ung thư vú hiện nay ngày càng phổ biến và có xu hướng trẻ hóa. Phương pháp điều trị ung thư vú là điều trị đa mô thức với phẫu thuật là phương pháp điều trị trung tâm cho các ung thư vú khi bệnh còn khu trú tại chỗ, tại vùng, tiếp đến là các phương pháp điều trị bổ trợ như hóa chất, xạ trị, điều trị nội tiết…
Trong đó phẫu thuật và xạ trị là những phương pháp có thể làm tổn thương thành ngực. Sẹo xơ sau mổ gây co kéo làm giảm chức năng vận động của các cơ ngực và cánh tay cùng bên, xạ trị càng làm tăng nguy cơ xơ cứng thành ngực ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Vì vậy, việc tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật và xạ trị là vô cùng quan trọng. Các bài tập này giúp giảm nguy cơ biến chứng về giảm chức năng vận động tay cũng như giảm tỷ lệ và mức độ của phù bạch huyết sau này.
Các bài tập nên được thực hiện sớm từ ngay sau phẫu thuật, trong và sau quá trình xạ trị. Tùy vào mức độ tổn thương và phục hồi sau điều trị để lựa chọn phương pháp tập luyện cho phù hợp, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị trước khi bắt đầu tập luyện.
Dưới đây là một số bài tập đơn giản bệnh nhân có thể áp dụng.
Bài tập 1:
- Đứng hoặc ngồi thoải mái với hai cánh tay thả lỏng ở hai bên.
- Theo chuyển động tròn, đưa vai về phía trước, lên trên, ra sau, xuống dưới. Cố gắng tạo vòng tròn lớn nhất có thể và di chuyển cả hai vai cùng lúc.
- Lặp lại bài tập 5 lần
Bài tập 2: Bài tập này giúp tăng khả năng vận động hướng ra ngoài của vai, có thể thực hiện khi đứng hoặc ngồi
- Đặt hai bàn tay trước ngực.
- Nâng dần khuỷu tay lên trên cho tới khi biên độ hoạt động bị hạn chế hoặc cảm thấy căng tức bên tổn thương
- Từ từ hạ thấp khuỷu tay
- Lặp lại động tác trên 5 lần
Bài tập 3:
- Đứng hai chân hơi cách xa nhau để giữ thăng bằng, nâng cánh tay bên vú đã phẫu thuật sang một bên.
- Di chuyển cánh tay theo hình tròn với khuỷu tay giữ thẳng
- Lặp lại động tác này 5 lần, nâng dần biên độ chuyển động của khớp vai đến mức có thể thực hiện một cách thoải mái
Bài tập 4:
- Đặt hai tay ra phía sau lưng, dùng tay bên lành nắm cổ tay bên tổn thương
- Trượt từ từ hai tay giữa lưng lên trên đến vị trí cao nhất có thể, nếu cảm thấy căng tức vết mổ, hãy dừng lại ở vị trí đó và thực hiện động tác hít sâu.
- Giữ ở vị trí này trong 30 giây, sau đó từ từ hạ tay xuống
- Lặp lại bài tập 5 lần
Bài tập 5:
- Đan hai lòng bàn tay vào nhau, để trước mặt
- Từ từ giơ tay về phía đầu, giữ cho khuỷu tay luôn hướng về phía trước
- Đưa hai tay qua đầu cho tới khi chạm tới gáy, khi chạm đến điểm này, dang khuỷu tay sang hai bên
- Giữ ở vị trí cao nhất có thể trong 30 giây, sau đó từ từ đưa hai khuỷu tay lại gần nhau, trượt tay qua đầu và hạ cánh tay xuống.
Bài tập 6:
- Bệnh nhân đứng thẳng, song song với tường cách khoảng 15 đến 20 cm, đặt bàn tay lên tường vuông góc với cơ thể
- Dùng bàn tay trườn trên tường và nâng dần cánh tay qua đầu cho đến khi cảm thấy căng tức thì dừng lại, giữ trong vài giây rồi trườn về vị trí ban đầu.
- Thực hiện các động tác trên 5 đến 7 lần sau đó thả lỏng
Bài tập 7:
- Bệnh nhân đứng thẳng, đối diện với tường cách khoảng 15 đến 20 cm, đặt 2 bàn tay lên tường vuông góc với cơ thể
- Dùng bàn tay trườn trên tường và nâng dần cánh tay qua đầu cho đến khi cảm thấy căng tức thì dừng lại, giữ trong vài giây rồi trườn về vị trí ban đầu.
- Thực hiện các động tác trên 5 đến 7 lần sau đó thả lỏng
Nguồn: https://www.mskcc.org/cancer-care/patient-education/exercises-after-mastectomy-or-reconstruction
Tác giả: quyen quang
Nguồn tin: Khoa xạ - Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang: