ĐIỀU TRỊ ĐÍCH TRONG UNG THƯ PHỔI KHÔNG TẾ BÀO NHỎ CÓ ĐỘT BIẾN EGFR

Thứ năm - 24/11/2022 10:10
I. Đại cương
Ung thư phổi là một trong những ung thư phổ biến nhất về tỉ lệ mắc, đồng thời cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư hiện nay ở Việt Nam, cũng như trên phạm vi toàn thế giới. Theo Globocan năm 2020, trên thế giới có hơn 2 triệu người mới mắc ung thư phổi và tỷ lệ tử vong cũng đứng hàng thứ nhất với hơn 1,7 triệu người tử vong. Tại Việt Nam ung thư phổi đứng hàng thứ 2 cả về tỷ lệ mới mắc với hơn 26 người và tỷ lệ tử vong với 25.000 người.
Nguyên nhân chủ yếu liên quan đến hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động.

Tùy theo giai đoạn bệnh, kết quả mô bệnh học và thể trạng của từng bệnh nhân để đưa ra phác đồ điều trị thích hợp. Phác đồ điều trị ung thư phổi thường là sự kết hợp của nhiều phương pháp, các phương pháp được sử dụng trong điều trị ung thư phổi là phẫu thuật, xạ trị, hóa trị liệu, điều trị đích và liệu pháp miễn dịch. Đối với ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn di căn có đột biến EGFR thì điều trị đích giúp cải thiện triệu chứng, kéo dài thời gian sống thêm, nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.

II. Điều trị đích trong ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến EGFR
1. Liệu pháp điều trị nhắm trúng đích:
 Là phương pháp tác động vào các phân tử đặc hiệu cần thiết cho quá trình sinh ung thư và phát triển khối u. Các phân tử này chính là đột biến của gen chịu trách nhiệm tăng trưởng tế bào ung thư.
Đối với ung thư phổi, đột biến EGFR (Epidermal growth factor receptor - thụ thể của yếu tố tăng trưởng biểu bì) là đích nhắm điều trị đầu tiên được chấp thuận và hiện vẫn tiếp tục được nghiên cứu đến ngày nay.
Đây là loại đột biến gen thường gặp nhất ở bệnh nhân ung thư phổi, đặc biệt là trên dân số Châu Á, bệnh nhân nữ, không hút thuốc lá và tế bào ung thư phổi có nguồn gốc từ biểu mô tuyến. 
Có rất nhiều loại đột biến gen EGFR được phát hiện, tuy nhiên khoảng 90% trường hợp là đột biến mất đoạn trên exon 19 và đột biến điểm trên exon 21-L858R.
2. Các thuốc điều trị đích ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến EGFR
Thuốc nhắm trúng đích EGFR là các thuốc ức chế tyrosine kinase EGFR (EGFR-TKI), giúp ngăn bướu phát triển. Hiện nay, EGFR-TKI có 3 thế hệ đang được sử dụng cho các bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến xa hoặc di căn, cụ thể như sau:


a. Nhóm thuốc thế hệ 1: bao gồm Erlotinib và Gefitinib. Cả hai thuốc có hiệu quả điều trị tương đương nhau, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, tăng tỉ lệ đáp ứng bướu, kéo dài thời gian bệnh không tiến triển thêm 5-6 tháng so với hóa trị. Theo nghiên cứu IPASS, với hơn 1200 bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ, các trường hợp có đột biến gen nhạy thuốc EGFR được điều trị với Gefitinib mang lại một số lợi ích như: 70% bướu giảm kích thước, 50% giảm nguy cơ bệnh tiến triển, và 22% giảm nguy cơ tử vong so với hóa trị. Ưu điểm của nhóm thuốc này là an toàn, ít tác dụng phụ, chủ yếu là nổi ban da nếu sử dụng Erlotinib hoặc tăng men gan nếu sử dụng Gefitinib.
b. Nhóm thuốc thế hệ 2: bao gồm Afatinib và Dacomitinib. Khả năng ức chế hoạt động của đột biến gen EGFR một cách bền vững, không hồi phục là ưu điểm của nhóm thuốc này. Theo nghiên cứu, cả hai thuốc, đặc biệt là Dacomitinib, giúp kéo dài thời gian bệnh không tiến triển tốt hơn so với Erlotinib và Gefitinib.
Ngoài ra, Afatinib còn được chứng minh có hiệu quả điều trị không chỉ đối với những trường hợp mang đột biến gen nhạy thuốc EGFR thường gặp (như đột biến điểm trên exon 19 và đột biến mất đoạn trên exon 21- L858R) mà cả đối với các đột biến gen hiếm như L861Q, G719X và S768I. Bên cạnh các thế mạnh đã nêu, những trường hợp sử dụng nhóm thuốc thế hệ 2 thường phải chịu đựng nhiều độc tính hơn (như tiêu chảy, nổi ban da, viêm ruột, viêm da) và các độc tính đó thường ở mức độ nặng hơn so với nhóm thuốc thế hệ 1.
c. Nhóm thuốc thế hệ 3:  Osimertinib. Tương tự nhóm thuốc thế hệ 2, Osimertinib cũng có khả năng ức chế hoạt động của đột biến gen EGFR một cách bền vững, không hồi phục. Đặc biệt, nó còn có thể ức chế đột biến gen T790M. Đây là một loại đột biến gen làm tăng khả năng thất bại điều trị. Nó xuất hiện ở khoảng 50%-60% trường hợp người bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ điều trị thuốc nhắm trúng đích EGFR thế hệ 1 hoặc 2 sau khoảng thời gian 9-12 tháng.
Tuy nhiên, loại đột biến gen này cũng có thể hiện diện khi người bệnh chưa điều trị gì, nhưng rất hiếm chỉ khoảng 1-2%. Và sự có mặt T790M ngay từ đầu là một yếu tố báo hiệu khả năng khối bướu kém đáp ứng với các thuốc nhóm EGFR-TKI thế hệ 1, 2.
Ngoài ra, Osimertinib còn được chứng minh có hiệu quả tốt đối với các tổn thương di căn não và hơn hết, thuốc có thể giúp 50% trường hợp người bệnh có thời gian sống kéo dài lên đến 38 tháng – điều mà các thuốc hóa trị hay các thuốc nhắm trúng đích khác không đạt được.
Hiện tại: khoa Khám bệnh Bệnh viện Ung Bướu tỉnh Bắc Giang đã và đang triển khai điều trị đích trong ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến xa và di căn có đột biến EGFR. Các thuốc đang được sử dụng tại viện là thuốc thế hệ 1, từng bước mang lại cao hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Mọi thắc mắc liên hệ Bs.CKI Nguyễn Thị Hà Bắc Trưởng khoa Khám Bệnh – Bệnh viện Ung Bướu Bắc Giang (SĐT 0987605277)

Tác giả: quyen quang

Nguồn tin: Khoa Khám bệnh – Bệnh viện Ung Bướu Bắc Giang tổng hợp:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập44
  • Máy chủ tìm kiếm17
  • Khách viếng thăm27
  • Hôm nay8,449
  • Tháng hiện tại235,094
  • Tổng lượt truy cập11,160,101
Bộ Y tế
Sở Y tế tỉnh Bắc Giang
Phap Diem
dmdc
giam dinh
tracuu
Cục quản lý khám chữa bệnh
chat luong
Cục quản lý Dược
dau thau
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi