Tại Việt Nam, theo Globocan năm 2022 ung thư tuyến giáp trở thành ung thư phổ biến đứng hàng thứ 6 trong tất cả các loại ung thư với hơn sáu nghìn ca mắc mới mỗi năm. Bệnh thường gặp ở phụ nữ và có thể gặp ở phụ nữ trẻ trong độ tuổi sinh đẻ. Các phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp bao gồm: Phẫu thuật, điều trị I ốt phóng xạ, xạ trị, điều trị đích, liệu pháp hormone,…
Điều trị bằng I ốt phóng xạ (RAI- Radioactive iodine) sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp đối với ung thư tuyến giáp biệt hóa thường được sử dụng để phá hủy phần mô giáp còn lại hoặc liệu pháp bổ trợ (adjuvant therapy). I ốt phóng xạ ảnh hưởng đến mô buồng trứng và các tác dụng phụ thường gặp của RAI bao gồm kinh nguyệt thưa, vô kinh thứ phát tạm thời và/hoặc mãn kinh sớm. Tiếp xúc với bức xạ cũng là một yếu tố nguy cơ gây ra các bất thường, đột biến cho thai nhi. Điều này dẫn đến thắc mắc của những phụ nữ nằm trong lứa tuổi sinh đẻ mắc bệnh và điều trị bằng I ốt phóng xạ rằng họ có thể mang thai được bình thường hay không và khoảng thời gian bao lâu là phù hợp, và có những lưu ý gì.
Theo các hướng dẫn hiện tại phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ mắc ung thư tuyến giáp đã được điều trị cần lưu ý một số điểm sau:
- Trước khi điều trị bằng I ốt phóng xạ cần được thử thai và xét nghiệm thử thai âm tính.
- Trì hoãn mang thai sau điều trị trong khoảng thời gian từ 6-12 tháng (nhiều bác sĩ lâm sàng có thể khuyến cáo thời gian chờ đợi đến khi mang thai là 12 tháng)
- Cần theo dõi sát và điều chỉnh liều hormone phù hợp trong suốt thai kỳ đặc biệt là trong 3 tháng đầu do sự thay đổi lớn trong nhu cầu hormone của cơ thể.