TẦM SOÁT UNG THƯ DẠ DÀY – NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
quyen quang
2025-03-21T02:44:38-04:00
2025-03-21T02:44:38-04:00
http://bvungbuoubg.com/tin-trong-nganh/2-1007.html
http://bvungbuoubg.com/uploads/news/2025_03/image-20250321134408-1.jpeg
Bệnh viện Ung Bướu tỉnh Bắc Giang
http://bvungbuoubg.com/uploads/untitled2.png
Thứ năm - 26/12/2024 20:18
TẦM SOÁT UNG THƯ DẠ DÀY – NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
I. LÍ DO CẦN TẦM SOÁT UNG THƯ DẠ DÀY
- Ung thư dạ dày là bệnh nguy hiểm nhưng có thể điều trị thành công nếu được phát hiện sớm. Theo thống kê, tỉ lệ sống trên 5 năm khi phát hiện bệnh ở các giai đoạn I, II, III, IV lần lượt là 94%, 82%, 67% và 11%
- Tuy nhiên, theo thống kê của Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư Việt Nam, mỗi năm có 15.000 – 20.000 người mắc mới ung thư dạ dày. Trong đó, 75% bệnh nhân đến khám khi đã ở giai đoạn cuối. Phát hiện bệnh ung thư dạ dày ở giai đoạn cuối gây khó khăn cho việc điều trị. Không chỉ tiên lượng sống ít đi mà người bệnh còn phải chịu áp lực chi phí điều trị và gánh nặng tâm lý. Vì vậy, tầm soát ung thư dạ dày là rất quan trọng. Phát hiện sớm, người bệnh có thể điều trị kịp thời, tăng tỷ lệ khỏi bệnh và tiên lượng sống. Đồng thời giảm thiểu chi phí chữa trị
II. KHI NÀO CẦN TẦM SOÁT UNG THƯ DẠ DÀY
1. Tầm soát khi xuất hiện triệu chứng bất thường
1.1. Triệu chứng cơ năng
- Chán ăn: Không có cảm giác thèm ăn, ăn không ngon miệng. Đầy hơi, ậm ạch, ăn chậm tiêu
- Đau thượng vị: Đau vùng bụng trên rốn. Đau nhói hoặc liên tục, có hoặc không liên quan đến bữa ăn
- Nôn, buồn nôn: Cảm giác bụng khó chịu nhẹ và buồn nôn, nôn ra thức ăn đã ăn trước đó
- Ợ nóng, ợ chua, trào ngược
- Xuất huyết tiêu hóa: Người bệnh hay cảm thấy buồn nôn và khi nôn thì trong chất nôn có lẫn máu hoặc chất giống bã cà phê. Đi ngoài phân có màu bất thường (màu đen hoặc có lẫn máu).
- Nuốt nghẹn, đau sau xương ức đối với ung thư tâm vị: Do khối u liên quan đến phần trên của dạ dày, gần thực quản nên người bệnh cảm thấy khó nuốt, bị tắc nghẽn thức ăn trong cổ họng
1.2. Triệu chứng toàn thân
- Suy kiệt: Suy nhược, gầy sút nhiều cân trong thời gian ngắn mà không rõ lý do, có thể giảm 10-20% trọng lượng cơ thể trong vòng vài tháng.
- Thiếu máu: Thiếu máu nhược sắc đơn thuần hoặc đi kèm là phân có màu đen.
- Sốt: Do hội chứng cận u, nhiều khi dai dẳng.
- Mệt mỏi: Người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, có khi còn bị choáng, ngất.
2. Tầm soát ung thư dạ dày định kỳ khi thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao
- Người từ 40 tuổi trở lên, đặc biệt là nam giới: Nghiên cứu của bệnh viện K cho thấy trong những người bị ung thư dạ dày, có tới 96% số người 40 tuổi trở lên. Tỷ lệ mắc ung thư dạ dày ở nam giới gấp đôi so với nữ giới.
- Thói quen ăn uống không lành mạnh, khoa học: Người có thói quen ăn uống mặn; thường xuyên ăn đồ dự trữ (đồ hộp, thịt xông khói, mắm, dưa muối,…), đồ nướng, chiên; đồ bị mốc…Người hút nhiều thuốc lá, uống nhiều rượu bia, sử dụng các chất kích thích có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn.
- Mắc các bệnh liên quan đến tiêu hóa: Người bị đau, viêm loét dạ dày lâu năm, trào ngược dạ dày, xuất huyết dạ dày, viêm dạ dày mãn tính có dị sản ruột, nhiễm vi khuẩn HP…
- Yếu tố di truyền: Nếu gia đình có người từng mắc bệnh ung thư dạ dày thì người bệnh có nguy cơ mắc ung thư cao hơn. Viêm teo dạ dày có tỷ lệ di truyền gen là 48%. Hoặc bản thân người bệnh mang gen đột biến có liên quan đến ung thư dạ dày như đột biến BRCA1, BRCA2; khiếm khuyết gen CDH1, MLH1, MSH2… Bệnh nhân hoặc tiền sử gia đình mắc một số hội chứng như: polyp tuyến có tính chất gia đình (FAP), polyp tuyến dạ dày, tăng sản, di sản ruột tại dạ dày,…
- Môi trường sống, làm việc không lành mạnh: Những người làm việc, sinh sống trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, nhiều bức xạ, trong ngành than hoặc cao su…
Chế độ sinh hoạt không lành mạnh, uống nhiều bia rượu, hút thuốc là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn tới ung thư dạ dày.
Sử dụng đồ ăn quá mặn, hun khói cũng có thể là yếu tố nguy cơ dẫn tới bệnh ung thư dạ dày
III. NÊN TẦM SOÁT UNG THƯ DẠ DÀY BAO LÂU MỘT LẦN
Tùy từng đối tượng cụ thể mà tần suất tầm soát ung thư dạ dày có thể khác nhau:
- Với người bình thường: Nên tầm soát khoảng 1 năm/lần hoặc tối thiểu là 2 năm/lần. - Với người thuộc nhóm nguy cơ cao: Nên tầm soát 6 tháng/lần hoặc tối thiểu là 12 tháng/lần hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
- Với trường hợp xuất hiện các triệu chứng trên: Cần thực hiện tái tầm soát càng sớm càng tốt
Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành tại tỉnh, có đầy đủ các phương pháp hỗ trợ bạn và gia đình tầm soát sớm các bệnh lý ung bướu nói chung và ung thư dạ dày nói riêng, giúp bệnh phát hiện tại giai đoạn sớm, mang lại hiệu quả cao trong điều trị.
Nguồn tài liệu:
- Báo sức khỏe đời sống
- https://benhvienk.vn/ung-thu-da-day-duoc-tam-soat-nhu-the-nao
- https://medlatec.vn/tin-tuc/tam-soat-ung-thu-da-day-va-nhung-dieu-can-biet
Tác giả: quyen quang
Nguồn tin: Khoa nội 1- Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang: