Bệnh viện Ung Bướu tỉnh Bắc Gianghttps://bvungbuoubg.com/uploads/untitled2.png
Thứ hai - 29/05/2023 04:56
NHIỄM KHUẨN VẾT MỔ VÀ VAI TRÒ CỦA GIÁM SÁT NHIỄM KHUẨN VẾT MỔ Nhiễm khuẩn vết mổ (NKVM) là một trong những nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) thường gặp. Một số nghiên cứu tại các nước phát triển cho thấy khoảng 5% bệnh nhân phẫu thuật mắc nhiễm khuẩn vết mổ. Nhiễm khuẩn vết mổ chiếm khoảng 20% các loại nhiễm khuẩn bệnh viện. Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ cao hơn những nước đã phát triển. Nghiên cứu thực hiện năm 2008 tại 8 bệnh viện tỉnh phía Bắc cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ hiện mắc là 10,5%. Nhiễm khuẩn vết mổ làm tăng chi phí điều trị, kéo dài thời gian và bệnh tật cho bệnh nhân. Một nhiễm khuẩn vết mổ đơn thuần làm kéo dài thời gian nằm viện thêm 7-10 ngày. Tại Anh, chi phí điều trị phát sinh do nhiễm khuẩn vết mổ thay đổi từ 814 tới 6.626 bảng tùy thuộc loại phẫu thuật và mức độ nặng của nhiễm khuẩn vết mổ. Tỉ lệ nhiễm khuẩn vết mổ ở các nước tiên tiến là 5-7%. Tại các nưóc đang phát triển khoảng 15-25%. Ở Hoa Kỳ, nhiễm khuẩn vết mổ đứng hàng thứ hai trong nhiễm khuẩn bệnh viện (15-18%), trong các năm từ 1986-1996 có 16.000 trường hợp nhiễm khuẩn vết mổ. Hậu quả kéo dài thời gian nằm viện 7-10 ngày, tăng tỉ lệ tử vong: 20.000 tử vong/năm, tăng chi phí 3 tỉ đô la mỗi năm và lạm dụng kháng sinh và tăng đề kháng kháng sinh. NKVM được chia làm 3 loại: nông, sâu và khoang cơ thể. Tiêu chí chẩn đoán NKVM như sau:
1. NKVM nông: Ngày sự kiện là ngày nằm trong khoảng 30 ngày tính từ khi phẫu thuật (với ngày 1 là ngày phẫu thuật). VÀ nhiễm khuẩn chỉ ở tổ chức da và dưới da tại vị trí vết mổ VÀ có một hoặc nhiều dấu hiệu, triệu chứng sau: a. Chảy mủ từ bề mặt vết mổ. b. Phát hiện được vi khuẩn từ xét nghiệm nuôi cấy hoặc không nuôi cấy từ bệnh phẩm dịch hoặc mô lấy vô trùng từ vết mổ. c. Phẫu thuật viên phải mở vết mổ nhưng không xét nghiệm Mẫu bệnh phẩm lấy từ vết mổ VÀ NB có ít nhất một trong những dấu hiệu sau đây: - Sưng tại chỗ - Đỏ hoặc nóng - Cảm thấy đau hoặc đau khi chạm vào vết mổ d. Bác sỹ chẩn đoán là nhiễm khuẩn vết mổ nông.
2. NKVM sâu: Ngày sự kiện là ngày nằm trong khoảng 30 ngày hoặc 90 ngày tính từ khi phẫu thuật (với ngày 1 là ngày phẫu thuật). VÀ xảy ra ở mô mềm sâu (ví dụ: cân, cơ) của vết mổ VÀ có một hoặc nhiều dấu hiệu, triệu chứng sau: a. Chảy mủ từ vết mổ sâu b. Toác vết mổ tự nhiên hoặc do phẫu thuật viên chủ động mở vết mổ VÀ phát hiện được vi khuẩn từ xét nghiệm nuôi cấy hoặc không nuôi cấy từ bệnh phẩm dịch hoặc mô mềm sâu lấy vô trùng từ vết mổ VÀ có một hoặc nhiều triệu chứng sau: - sốt > 38°C - cảm thấy đau tại chỗ hoặc đau khi chạm c. Áp xe hoặc có bằng chứng của NKVM sâu thông qua khám thực thể, phẫu thuật lại, xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh hoặc xét nghiệm giải phẫu bệnh (mô bệnh học).
3. NKVM cơ quan/khoang phẫu thuật: Ngày sự kiện là ngày nằm trong khoảng 30 ngày hoặc 90 ngày tính từ khi phẫu thuật (với ngày 1 là ngày phẫu thuật). VÀ liên quan đến bất kỳ bộ phận nào của cơ thể nằm sâu hơn các lớp cân/cơ được mở hoặc thao tác khác trong quá trình phẫu thuật VÀ có một hoặc nhiều dấu hiệu, triệu chứng sau: a. Chảy mủ từ ống dẫn lưu đặt tại cơ quan/khoang phẫu thuật b. Phát hiện được vi khuẩn từ xét nghiệm nuôi cấy hoặc không nuôi cấy từ bệnh phẩm dịch hoặc mô lấy vô trùng từ cơ quan/khoang phẫu thuật. c. Áp xe hoặc có bằng chứng của NKVM sâu thông qua khám thực thể, phẫu thuật lại, xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh hoặc xét nghiệm giải phẫu bệnh (mô bệnh học). VÀ thỏa mãn ít nhất một tiêu chuẩn về vị trí nhiễm khuẩn cơ quan/khoang phẫu thuật.
Vai trò của giám sát NKVM:
Trước đây, việc giám sát NKVM hiện mới được triển khai tại một số bệnh viện riêng lẻ, bệnh viện lớn, đáp ứng được các yêu cầu về nhân lực và phương pháp chẩn đoán. Thêm vào đó, chưa có Hướng dẫn quốc gia để chuẩn hóa phương pháp giám sát NKVM nên không có sự thống nhất trong cách thức triển khai, kết quả không có sự đồng nhất. Ngày 24//3/2023, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1526/QĐ-BYT về việc Ban hành hướng dẫn giám sát NKVM. Trong hướng dẫn này đã chuẩn hóa phương pháp, nội dung giám sát, có thể dễ dàng áp dụng với hầu hết các cơ sở có tiến hành phẫu thuật. Giám sát NKVM tại các cơ sở KBCB nhằm đáp ứng ba mục đích chính: - Xác định đúng tỉ lệ mắc NKVM, các yếu tố nguy cơ, tác nhân gây bệnh và mức độ đề kháng kháng sinh của các chủng vi khuẩn gây NKVM. - Cung cấp thông tin cho việc xây dựng các kế hoạch, chương trình phòng ngừa NKVM của cơ sở và quốc gia. - Theo dõi hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa NKVM theo thời gian. Tùy theo điều kiện của từng cơ sở y tế mà có thể lựa chọn đối tượng để giám sát, áp dụng phương pháp chẩn đoán NKVM phù hợp, có thể sử dụng triệu chứng lâm sàng hoặc xét nghiệm vi sinh hoặc kết hợp cả hai phương pháp. Việc giám sát NKVM cần được xây dựng kế hoạch kỹ lưỡng, có sự phối hợp tích cực và chủ động của các bộ phận. Để bảo đảm thu thập chính xác các dữ liệu giám sát, thành viên tham gia thu thập dữ liệu (điều dưỡng, bác sĩ tại đơn vị được giám sát, khoa KSNK và một số khoa liên quan) cần được tập huấn mục tiêu giám sát, phương pháp giám sát, phương pháp thu thập dữ liệu và trách nhiệm của từng thành viên tham gia nhóm giám sát. Theo định kỳ (sau mỗi tháng giám sát), kết quả giám sát NKVM cần được thông báo kịp thời đến đúng người cần biết gồm NVYT trực tiếp chăm sóc bệnh nhân (bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên khác), Hội đồng kiểm soát nhiễm khuẩn và Lãnh đạo bệnh viện. Việc thông báo kết quả giám sát tới những NVYT trực tiếp chăm sóc NB có thể là bản báo cáo hoàn chỉnh, nhưng quan trọng hơn là cần phản hồi nhanh những trường hợp NKVM nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của NVYT. Việc ra đời Quyết định 1526/QĐ-BYT của Bộ Y tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các cơ sở y tế, đặc biệt là bệnh viện có quy mô nhỏ như Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang. Kể từ khi Quyết định nêu trên, khoa KSNK đã tích cực, chủ động nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và triển khai giám sát NKVM tại bệnh viện. Kết quả giám sát sẽ là cơ sở, căn cứ để khoa KSNK tham mưu với lãnh đạo bệnh viện áp dụng các biện pháp nhằm giảm thiểu NKVM, đảm bảo an toàn cho người bệnh.