Ung thư gan -sát thủ thầm lặng
Những ai nên tầm soát ung thư gan ?
I.Tổng quan về ung thư gan
- Ung thư gan là loại ung thư phổ biến đứng hàng thứ 5 ở nam giới, và thứ 7 ở nữ giới với hơn nửa triệu trường hợp mắc bệnh mới được chẩn đoán mỗi năm trên toàn thế giới, đây là nguyên nhân đứng hàng thứ 3 gây nên các ca tử vong do ung thư trên toàn thế giới sau ung thư phổi và dạ dày. Vào năm 2010, ước tính khoảng 754.000 người tử vong do ung thư gan. Ung thư tế bào gan nguyên phát (hepatocellular carcinoma - HCC) là dạng ung thư gan phổ biến nhất - chiếm 80% trường hợp mắc ung thư gan
II. 03 lý do khiến bạn cần biết tầm soát ung thư gan là gì?
- Nhiều người vì chưa có tìm hiểu, thường xem nhẹ vấn đề tầm soát sớm ung thư gan và các bệnh ung thư khác nói chung. Họ đã bỏ qua 03 sự thật dưới đây.
- 1. Ung thư gan nguy hiểm chỉ sau ung thư phổi
- Trung bình mỗi năm Việt Nam ghi nhận hơn 10.000 ca mắc mới, hơn 20.000 ca tử vong vì ung thư gan. K gan phổ biến chỉ sau K phổi. Nguy hiểm hơn, tỷ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng và trẻ hóa.
- Nguyên do của sự trẻ hóa ung thư gan bắt nguồn từ lối sống, sinh hoạt thiếu khoa học, hay những tác động từ xã hội, môi trường tới sức khỏe. Đáng buồn hơn, tỷ lệ tử vong bởi K gan tăng vì bệnh được phát hiện quá muộn, khiến việc điều trị gặp khó khăn hơn rất nhiều tới vô phương cứu chữa. Và để có thể sàng lọc ung thư kịp thời, y học sử dụng phương pháp tầm soát sớm.
- 2. Ung thư gan có khả năng di truyền
- Đa số các loại ung thư đều không có khả năng di truyền. Tuy nhiên với K gan, 10% bệnh có thể di truyền từ các thành viên trong gia đình có chung huyết thống. Người bệnh được chẩn đoán ung thư gan sau tuổi 50 sẽ có khả năng di truyền rất thấp. Những người cùng huyết thống với bệnh nhân K gan sẽ có nguy cơ mắc ung thư cao hơn so với những người khác.
Với trường hợp này, người bệnh cần thăm khám sớm để có thể tiên lượng và điều trị kịp thời, tránh để hậu quả cho những thế hệ sau.
- 3. Tầm soát sớm giúp tăng khả năng chữa
- Các bệnh ung thư nói chung nên được phát hiện ở giai đoạn khởi phát, ngay từ khi chưa có triệu chứng. Nó tạo điều kiện giúp bác sĩ có thể loại bỏ khối u sớm. Bệnh nhân phục hồi nhanh và không để lại di chứng nghiêm trọng về sau.
- Với ung thư gan, việc tầm soát sớm đem lại những lợi ích sau:
– Bệnh nhân được chữa trị kịp thời
– Phát hiện và chữa sớm giúp bệnh nhân ung thư gan bớt đi những đau đớn, tổn thương về thể chất
– Chi phí điều trị bệnh ở giai đoạn sớm tiết kiệm hơn so với khi bệnh đã chuyển nặng
Thực tế, khi kích thước khối u đã lớn hơn 6cm, tỷ lệ sống của người bệnh sau 5 năm chỉ còn khoảng 10%. Nhưng nếu điều trị khi khối u dưới 3cm, tỷ lệ sống sau 5 năm có thể lên tới 80 – 90%.
Do đó, tầm soát để điều trị K gan sớm góp phần tăng khả năng sống cho người bệnh nhiều lần.
III Đối tượng nên khám sàng lọc ung thư gan
- Người bị viêm gan virus B, C mạn tính: Nhiễm virus viêm gan B (HBV) và virus viêm gan C (HCV) là yếu tố nguy cơ phổ biến nhất của ung thư gan trên toàn thế giới (1), tiêu biểu là ung thư biểu mô tế bào gan. Đặc biệt những người này mà có tiền sử gia đình như bố mẹ anh em ruột bị xơ gan hoặc ung thư gan thì càng có nguy cơ cao mắc bệnh. Vì thế những bệnh nhân viêm gan virus mạn tính cần tầm soát ung thư gan định kỳ.
- Người nghiện rượu bia hoặc uống bia rượu thường xuyên: Rượu là một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư gan nên nhóm đối tượng này cần thiết phải tầm soát ung thư gan.
- Người thừa cân, béo phì: Tình trạng thừa cân, béo phì có thể kéo theo nhiều biến chứng như gan nhiễm mỡ, người bị hội chứng chuyển hóa: tiểu đường type 2, tăng huyết áp, tăng mỡ máu. Trong khi đó gan nhiễm mỡ hay tiểu đường type 2 có thể diễn tiến thành viêm gan, xơ gan, ung thư gan.
- Người có tiền sử bị viêm gan tự miễn – một tình trạng gan bị viêm do hệ thống miễn dịch của cơ thể quay ngược trở lại tấn công gan. Gan bị tổn thương rất dễ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm gan, xơ gan, ung thư gan. Do vậy người có tiền sử viêm gan tự miễn nên đi tầm soát ung thư gan.
- Người bị viêm gan mạn hoặc xơ gan do bất kỳ nguyên nhân nào: người mắc viêm gan mạn hoặc xơ gan có nguy cơ cao tiến triển ung thư biểu mô tế bào gan. Do vậy những người có tiền sử bị xơ gan rất nên thực hiện các phương pháp tầm soát ung thư gan
IV. Tầm soát ung thư gan là gì?
- Tầm soát ung thư gan là thực hiện lần lượt một loạt các bước thăm khám, xét nghiệm, được thiết kế theo một quy trình khép kín. Mục đích mỗi bước khám nhằm kiểm tra chức năng hoạt động, phát hiện các dấu hiệu bệnh lý bất thường về gan, ung thư gan. Tổng hợp kết quả thăm khám, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán về tình hình sức khỏe của bệnh nhân. Đồng thời bác sĩ cũng có phác đồ điều trị phù hợp nếu người bệnh có dấu hiệu K gan.
- Quá trình sàng lọc sớm ung thư gan nên được thực hiện định kỳ từ 1-2 lần/năm. Người bệnh vừa được kiểm tra sức khỏe định kỳ, vừa kịp thời phát hiện những bất thường của cơ thể. Từ đó họ chủ động phòng và chữa bệnh trước khi quá muộn.
- Phương pháp tầm soát ung thư gan giai đoạn sớm
1.Khám lâm sàng là bước chung nhất trong tầm soát các bệnh ung thư. Trong quá trình khám lâm sàng, dựa trên các yếu tố tuổi tác, giới tính, tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh của gia đình, nghề nghiệp, thói quen uống rượu bia/hút thuốc lá, các bác sĩ sẽ đồng thời tìm kiếm các hạch bất thường, khối u trên cơ thể để đánh giá nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy, khám lâm sàng là bước đầu tiên tầm soát ung thư gan.
2. cận lâm sàng
- 2.1. Siêu âm
- Với độ nhạy khoảng 68 – 78%, siêu âm gan là phương pháp chẩn đoán hình ảnh phổ biến nhất hiện nay được lựa chọn để tầm soát ung thư gan. Siêu âm có thể phát hiện được những khối u khi còn rất nhỏ: 0,5 cm – 1cm, kèm những bệnh lý như xơ gan, tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Bên cạnh đó, việc siêu âm rất đơn giản, không gây hại đến sức khỏe và tiết kiệm chi phí. Thông thường, các bác sĩ sẽ tiến hành kết hợp siêu âm gan và đo nồng độ AFP trong máu trong phác đồ tầm soát ung thư gan để có những đánh giá tối ưu, chính xác hơn.
2.2 Chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ
Với những khối u nhỏ hơn 1cm, bệnh nhân sẽ được chỉ định chụp cắt lớp phân giải cao và chụp cộng hưởng từ để tầm soát ung thư gan. Tổ hợp chụp cắt lớp phân giải cao và chụp cộng
2.3.Xét nghiệm máu
a.AFP là một loại glycoprotein được hình thành trong túi noãn hoàng và gan của thai nhi chưa trưởng thành. Nồng độ AFP trong máu có thể cảnh báo tình trạng ung thư gan. Độ nhạy chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào gan của AFP đạt 39-45% và độ đặc hiệu là 76-94% nên xét nghiệm máu tìm chỉ số AFP thường được sử dụng trong tầm soát ung thư gan giai đoạn sớm.
b.Chỉ số AFP ở nam giới và phụ nữ không có thai bình thường là: < 4,0 ng/ml hay < 7,75 UI/ml. Khi nồng độ AFP tăng nhẹ ở mức <200 ng/ml cảnh báo nguy cơ cao bị ung thư tế bào gan; <500 ng/ml là tăng vừa, biểu hiện của những người ung thư gan hoặc bệnh nhân có dấu hiệu viêm gan mãn tính; >500 ng/ml nghĩa tăng rất cao, có thể xác định 99% là ung thư tế bào gan.
c. Chỉ số AFP-L3
- AFP có 3 thể khác nhau là AFP-L1, AFP-L2 và AFP-L3. Tuy nhiên, chỉ có nồng độ AFP-L3 là có liên quan đến những trường hợp u gan giai đoạn sớm kích thước nhỏ. Thống kê cho thấy có khoảng 35% trường hợp bệnh nhân mắc u gan cho chỉ số AFP-L3 tăng cao so với mức bình thường (nồng độ trong huyết thanh thấp hơn 10%).
- Người có chỉ số AFP-L3 cao hơn 10% thì tăng gấp 7 lần nguy cơ xuất hiện ung thư biểu mô tế bào gan chỉ trong vòng 21 tháng .
d. Chỉ số DCP hay PIVKA II
- PIVKA-II không xuất hiện ở người khỏe mạnh. Tuy nhiên, ở những người bị bệnh gan và gan ác tính như ung thư gan, PIVKA-II có thể tăng. Đây được xem là xét nghiệm rất có giá trị trong hỗ trợ chẩn đoán, theo dõi đáp ứng điều trị, tái phát và tiên lượng bệnh ung thư biểu mô tế bào gan. Do đó PIVKA-II thường được chỉ định trong quá trình tầm soát ung thư gan.
- 3. Sinh thiết gan
- Đây là phương pháp cuối cùng trong tầm soát ung thư gan nếu các kết quả chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm nghi ngờ bệnh nhân có thể đang mắc phải bệnh lý này. Tuy nhiên kỹ thuật sinh thiết cũng ẩn chứa những rủi ro về chảy máu, nhiễm trùng, do đó chỉ khi nào thực sự cần thiết mới thực hiện.
VI. Thực tế tại bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang
Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang có đầy đủ các phương tiện để khám,chẩn đoán bệnh ung thư gan và hàng năm bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị rất nhiều bệnh nhân ung thư gan .