DINH DƯỠNG CHO NGƯỜI BỆNH UNG THƯ
quyen quang
2024-06-30T22:45:31-04:00
2024-06-30T22:45:31-04:00
https://bvungbuoubg.com/tin-trong-nganh/dinh-duong-cho-nguoi-benh-ung-thu-903.html
https://bvungbuoubg.com/uploads/news/2022_11/hinh-1-min-1.jpg
https://bvungbuoubg.com/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 30/06/2024 22:45
DINH DƯỠNG CHO NGƯỜI BỆNH UNG THƯ
Tại Việt Nam hiện nay, số bệnh nhân mắc bệnh ung thư không được chăm sóc dinh dưỡng đúng cách trong quá trình điều trị bệnh đang ngày một gia tăng. Điều này khiến cho bệnh nhân nhanh chóng bị giảm cân và suy dinh dưỡng rất đáng lo ngại. Theo một số nghiên cứu, suy dinh dưỡng ảnh hưởng đến trên 80% bệnh nhân ung thư, từ đó tác động đến chất lượng cuộc sống của họ. Nguyên nhân gây suy dinh dưỡng ở bệnh nhân ung thư khá đa dạng, có thể do triệu chứng của bệnh, có thể do tác dụng phụ của liệu pháp điều trị, hay gặp là tình trạng mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn, khô miệng, thay đổi vị giác, đau họng và khó nuốt,….
Tình trạng suy giảm về cân nặng và thể chất nghiêm trọng cũng khiến cho nhiều bệnh nhân ung thư không thể tiếp tục theo hết các liệu trình điều trị bệnh. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng xấu đến hiệu quả điều trị bệnh mà còn khiến cho tiên lượng sống của bệnh nhân bị giảm xuống. Chưa hết, khi không được chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ, những người mắc ung thư sẽ có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng, cơ thể dễ bị nhiễm trùng, và thậm chí là tử vong.
Nhìn chung, chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân ung thư cần phải đảm bảo có đầy đủ các nhóm chất, bao gồm chất béo, chất đạm, tinh bột, vitamin, nước và các khoáng chất thiết yếu. Những người mắc bệnh ung thư nên chú trọng tới việc ăn ít thịt nhưng nhiều rau, cá, dầu thực vật, đồng thời tích cực luyện tập thể dục thường xuyên hơn để cung cấp đầy đủ các thành phần dinh dưỡng và nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Bên cạnh đó, những người thân của bệnh nhân cũng cần phải khuyên nhủ người bệnh chịu khó hoạt động thể chất, hạn chế nằm nhiều một chỗ, giữ cho đầu óc luôn được thoải mái, thư giãn, tránh lo âu và suy nghĩ tiêu cực quá nhiều để giúp cho việc điều trị khởi sắc hơn. Người nhà của bệnh nhân nên cố gắng cho người bệnh thoải mái ăn theo khẩu vị mà họ yêu thích. Các bữa ăn cũng nên được chia nhỏ thành nhiều bữa để cơ thể bệnh nhân dễ hấp thụ được các chất dinh dưỡng. Người bệnh ung thư có nhu cầu dinh dưỡng tương tự như người khỏe mạnh, khoảng 25-30 kcal/kg/ngày. Ví dụ, nhu cầu protein được ước tính là từ 1,2 đến 1,5 g/kg/ngày (giá trị này có thể thay đổi tùy theo chức năng thận, cũng như bất kỳ rối loạn chuyển hóa nào khác). Nhu cầu nước và khoáng chất nên được đánh giá, đặc biệt là trong một số trường hợp có liên quan đến rối loạn điện giải. Việc sử dụng liều cao vitamin và các nguyên tố vi lượng không được khuyến cáo, ngoại trừ các trường hợp thiếu hụt đã được xác định. Do đó người bệnh ung thư đang điều trị không cần kiêng khem quá nghiêm ngặt.
10 lời khuyên dinh dưỡng dành cho người bệnh ung thư:
1. Ăn, uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, đảm bảo giàu năng lượng và giàu đạm. Bổ sung thêm các sản phẩm giàu dinh dưỡng (sữa dinh dưỡng y học). Tuân thủ lời khuyên của thầy thuốc trong việc can thiệp dinh dưỡng: từ chế độ ăn hàng ngày tới đường các đường nuôi dưỡng khác (tĩnh mạch, đặt sonde dạ dày, mở thông dạ dày…).
2. Kiểm soát được lượng thức ăn mà người bệnh ăn vào/24h.
3. Nên uống nước trước hoặc sau bữa ăn 30 phút (khoảng 2 lít/ngày) (40ml/kg/ngày). Tránh uống nước trong khi ăn vì điều này có thể làm giảm sự ngon miệng.
4. Không nên ăn, uống nhiều đồ có đường, nước ngọt, chất kích thích, đồ uống có ga. Hạn chế muối.
5. Thường xuyên thay đổi cách chế biến và màu sắc của thức ăn để tăng sự hấp dẫn. Tránh ngửi mùi thức ăn khi đang chế biến.
6. Giữ vệ sinh răng, miệng (nên đánh răng sau mỗi bữa ăn, trước khi đi ngủ và khi ngủ dậy).
7. Nếu không ăn được thức ăn thông thường thì chuyển sang chế độ ăn nhỏ, mềm, nhuyễn (cháo, súp...)
8. Khi người bệnh không ăn được hoặc ăn uống thông thường không đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng thì phải có các phương pháp hỗ trợ nuôi dưỡng hoặc nuôi dưỡng thay thế.
9. Mỗi người bệnh có thể trạng khác nhau, quá trình hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể hay tiêu hao năng lượng cũng khác nhau, đặc biệt là với người bệnh ung thư, do đó người bệnh ung thư nên đến gặp bác sĩ điều trị hoặc bác sĩ dinh dưỡng để thiết lập cho mình chế độ ăn phù hợp, hiệu quả.
10. Loại bỏ ngay quan điểm sai lầm hiện tại đó là: Sử dụng các phương pháp chữa bệnh không chính thống, sử dụng những sản phẩm dinh dưỡng thiếu nguồn gốc, sản phẩm không phù hợp, cần hạn chế lượng chất dinh dưỡng nạp vào cơ thể… Tất cả quan điểm đó sẽ gây hại cho người bệnh.