Tầm quan trọng của dinh dưỡng cho người bệnh ung thư
Hỗ trợ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư có ý nghĩa quan trọng trong việc hồi phục tình trạng suy mòn/suy dinh dưỡng, giúp ngăn ngừa các biến chứng và giảm nguy cơ tử vong. Tuy nhiên có một thực tế đáng lo ngại, hầu hết người bệnh chỉ tập trung vào điều trị, rất ít người bệnh quan tâm đến việc ăn uống thế nào cho hợp lý. Nhiều người bệnh thiếu hiểu biết còn ăn kiêng quá mức dẫn đến sụt cân, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng sống. Theo Tổ chức Y tế Thế giới mỗi năm Việt Nam có khoảng 95.00 người bệnh tử vong do ung thư trong đó 80% bị sút cân, 30% tử vong vì suy kiệt.
Ung thư trực tiếp ảnh hưởng đến cơ quan khởi phát bệnh và có thể di căn đến các vị trí khác, gây ra một loạt các biến chứng, trong đó tác động tiêu cực đến tình trạng dinh dưỡng. Đồng thời tình trạng dinh dưỡng kém cũng ảnh hưởng ngược lại đến đáp ứng điều trị, cách thức điều trị và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Có một thực trạng hiện nay là các bệnh nhân ung thư thường lựa chọn chế độ ăn kiêng khem một cách cực đoan, vì lo sợ rằng nếu nạp nhiều chất dinh dưỡng vào cơ thể sẽ khiến bệnh tình phát triển nhanh hơn. Quan niệm sai lầm về dinh dưỡng này được cổ súy trên các trang mạng xã hội, đáng tiếc là không ít những kênh online bán thực phẩm ăn kiêng, đồ thực dưỡng bám vào tâm lý này của người bệnh ung thư mà đưa ra những thông tin sai lệch, thiếu khoa học.
Ung thư là một bệnh lý mãm tính, hỗ trợ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư có ý nghĩa quan trọng trong việc hồi phục tình trạng suy mòn/suy dinh dưỡng, giúp ngăn ngừa các biến chứng và giảm nguy cơ tử vong liên quan đến ung thư. Cùng với đó các tác dụng phụ từ phương pháp điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch,… có thể khiến người bệnh ăn ít hơn và giảm cân do vậy với người bệnh đang điều trị những phương pháp này thì mục tiêu dinh dưỡng là duy trì cân nặng lý tưởng và áp dụng một chế độ ăn cân đối, lành mạnh để cung cấp năng lượng, phục hồi để tiếp tục đảm bảo sức khỏe điều trị bệnh.
Để đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, người bệnh cần phải ăn uống đầy đủ thực phẩm đảm bảo các nhóm chất: đạm - bột đường - béo - vitamin, khoáng chất - nước. Một chế độ ăn nhiều cá, rau, ít thịt, thêm dầu thực vật, uống nhiều nước và vận động, tập thể dục thể thao....sẽ giúp cơ thể đủ chất dinh dưỡng và sức khoẻ để chống lại ung thư. Nên chiều theo khẩu vị của người bệnh, chia nhỏ các bữa ăn để người bệnh dễ hấp thụ dưỡng chất. Người nhà cũng nên khuyên người bệnh chịu khó vận động, ít nằm một chỗ để cơ thể được thoải mái, đầu óc được thư giãn, tránh suy nghĩ quá sẽ giúp cho việc điều trị đạt kết quả cao hơn.
Tuy người bệnh không cần kiêng khem nghiêm ngặt, nhưng nên lưu ý một số điều dưới dây:
- Ăn ít nhưng đủ dinh dưỡng, giàu năng lượng và giàu đạm. Bổ sung thêm các sản phẩm giàu dinh dưỡng (sữa dinh dưỡng).
- Kiểm soát được lượng thức ăn mà người bệnh ăn vào.
- Nên uống nước trước hoặc sau bữa ăn 30 phút. Tránh uống nước trong khi ăn vì điều này có thể làm giảm sự ngon miệng.
- Không nên ăn uống đồ có đường, nước ngọt, thức ăn nhiều chất béo.
- Thường xuyên thay đổi cách chế biến và màu sắc của thức ăn để tăng sự hấp dẫn.
- Tránh ngửi mùi thức ăn khi đang chế biến.
- Giữ vệ sinh răng, miệng.
- Nếu không ăn được thức ăn thông thường thì chuyển sang chế độ ăn nhỏ, mềm, nhuyễn (cháo, súp...)
- Khi người bệnh không ăn được hoặc ăn uống thông thường không đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng thì phải có các phương pháp hỗ trợ nuôi dưỡng hoặc nuôi dưỡng thay thế.
Mỗi người bệnh có thể trạng khác nhau, quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể hay tiêu hao năng lượng cũng khác nhau, đặc biệt là với người bệnh ung thư, do đó bệnh nhân ung thư nên đến gặp bác sĩ điêu trị hoặc bác sĩ dinh dưỡng để thiết lập cho mình chế độ ăn phù hợp, hiệu quả.
Nguồn tin: Lương Thị Cúc – Phòng Điều dưỡng - BVUB tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn