DẤU HIỆU ĐIỂN HÌNH, NGUYÊN NHÂN
vÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ UNG THƯ BUỒNG TRỨNG
Ung thư buồng trứng là căn bệnh nguy hiểm, có thể xảy ra ở mọi độ tuổi và gây tử vong cao nhưng lại rất khó nhận biết. Khi mới khởi phát, bệnh có diễn tiến âm thầm, ít triệu chứng ban đầu nên chị em phụ nữ thường chủ quan không thăm khám, dẫn đến nhiều hệ lụy xấu đối với sức khỏe.
Ung thư buồng trứng nếu được phát hiện sớm, điều trị hiệu quả từ giai đoạn mới hình thành khối u thì cơ hội sống trên 5 năm có thể lên tới 95%. Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn 2, tỷ lệ sống trên 5 năm chỉ còn 70%. Ở giai đoạn 3 là 39% và cơ hội sống giai đoạn cuối là rất thấp vì khối u đã di căn xa, điều trị khó, hiệu quả điều trị thấp.
Vì vậy, khi có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ ung thư buồng trứng hay đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao (có mẹ, chị hoặc em gái ruột mắc ung thư buồng trứng; tiền sử mắc ung thư vú, ung thư đại tràng; phụ nữ sau 50 tuổi; phụ nữ chưa từng sinh con; sử dụng thuốc kích thích phóng noãn; sử dụng bột talc; điều trị hormon estrogen thay thế) nên chủ động tầm soát ung thư càng sớm càng tốt. Việc phát hiện và điều trị ung thư buồng trứng kịp thời sẽ mang lại hiệu quả và cơ hội sống cao cho người bệnh.
Các dấu hiệu cảnh báo ung thư buồng trứng sớm nhất cần lưu ý:
- Rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy hay táo bón.
- Chán ăn trong thời gian dài, cảm thấy no dù chỉ ăn rất ít.
- Đầy hơi liên tục, kéo dài đến vài tuần kèm theo sưng bụng.
- Đau khi đi tiểu hoặc thay đổi thói quen đi tiểu.
- Cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi.
- Sụt cân đột ngột khi không hề thay đổi chế độ ăn uống hay tập thể dục để giảm cân.
- Chảy máu âm đạo bất thường kèm đau đớn.
- Đau khi quan hệ vợ chồng.
- Đau vùng chậu kèm đau lưng không rõ nguyên nhân.
- Chảy máu nhỏ giọt giữa các kỳ kinh nguyệt.
Chẩn đoán ung thư buồng trứng dựa vào:
- Các triệu chứng đã xuất hiện và khám lâm sàng.
- Xét nghiệm hình ảnh như siêu âm, chụp MRI, CT.
- Xét nghiệm máu.
- Sinh thiết xác định khối u ở buồng trứng là lành tính hay ác tính.
- Phẫu thuật để xác định giai đoạn ung thư buồng trứng.
- Chất chỉ điểm khối u (CA-125).
Điều trị
Tùy vào sự tiến triển của bệnh, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Ung thư buồng trứng thường được điều trị bằng phẫu thuật, hóa học trị liệu hoặc trị liệu bức xạ.
Ung thư buồng trứng rất khó nhận biết ở giai đoạn đầu bởi biểu hiện của bệnh rất mơ hồ, dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác. Hầu hết các trường hợp chỉ được phát hiện khi ung thư đã chuyển sang giai đoạn nặng, có triệu chứng rõ ràng nhưng rất khó để chữa trị. Do đó, chị em nhất là phụ nữ sau 50 tuổi nên theo dõi sát sao sức khỏe qua thăm khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư sớm để phòng bệnh tốt nhất.
Nguồn tin: Phòng Kế hoạch tổng hợp:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn