UNG THƯ TẾ BÀO THẬN (RCC)
Ung thư thận chiếm khoảng 2-3% các khối u ác tính ở người lớn, độ tuổi mắc trung bình ở thời điểm chẩn đoán là 65 tuổi và tập trung ở khoảng 60-80 tuổi. Trong 65 năm qua, tỷ lệ UTT tăng trung bình mỗi năm là 2%. Hay gặp ở nam hơn nữ giới với tỷ lệ 1,6/1. Thời gian sống thêm toàn bộ của căn bệnh này đã được cải thiện nhờ được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, tỷ lệ sống sau 5 năm là 50% ở những năm 1975 - 1977 và tăng lên 74% ở những năm 2004 - 2010. Theo thống kê của Viện quốc gia Hoa kỳ, ước tính có khoảng 61.500 trường hợp ung thư thận mới mắc và có 14.080 ca tử vong trong năm 2015.
Mổ cắt thận là gì?
Mổ cắt thận là phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ quả thận do những nguyên nhân như: ung thư thế bào thận (RCC), ung thư tế bào chuyển tiếp đường tiết niệu trên (TCC), thận mất chức năng, chấn thương thận, lấy thận ghép… Đây là phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho các trường hợp thận bị tổn thương không thể phục hồi. Phẫu thuật cắt thận có thể được thực hiện theo một trong hai cách là mổ mở hoặc mổ nội soi. Thời gian nằm viện của người bệnh dài hay ngắn tùy theo tình trạng bệnh, thể trạng, tốc độ phục hồi, các biến chứng sau mổ… Trung bình một người mổ cắt bỏ thận sẽ mất từ 3-7 ngày nằm viện để được bác sĩ theo dõi.
Ca phẫu thuật được thực hiện như thế nào?
Một ca phẫu thuật thận thường kéo dài từ 2-3 giờ, nhưng cũng có thể thay đổi tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, mức độ phức tạp của tổn thương... Bệnh nhân được gây mê nội khí quản, đặt thông tiểu lưu, người bệnh được đặt theo tư thế nằm nghiêng 90o, hoặc nằm ngửa, tùy thuộc vào đặc điểm của tổn thương. Bác sĩ tiến hành rạch một đường có chiều dài từ 15 - 20cm để tiếp cận với thận, bóc tách tìm cuống thận (động mạch, tĩnh mạch và niệu quản), khống chế và kẹp cắt cuống thận, động mạch được cắt trước tĩnh mạch để tránh cho thận khỏi bị ứ máu. Quả thận chứa khối u, các hạch, các mô được lấy ra đem đi làm giải phẫu bệnh. Đặt dẫn lưu hố thận, đóng lại thành bụng.
Thông tin ca bệnh
Bệnh nhân Thân T. L., nữ giới, 62 tuổi, đi khám sức khỏe phát hiện khối u thận trái. Tiền sử: Không phát hiện gì bất thường
Lâm sàng: Bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, hạch ngoại vi không to. Không đau bụng, ấn không đau, tiểu tiện không buốt rắt, nước tiểu trong, không sờ thấy khối u, bụng mềm không chướng, tim phổi bình thường. Các dấu hiệu trên lâm sàng không phát hiện bất thường.
Cận lâm sàng:
- Sinh hóa máu: Na+: 145.3 mmol/l, K+: 3.68 mmol/l, Cl-: 105.9 mmol/l, Creatinin: 72 mmol/L, Urê máu: 5.4 mmol/L
- Cắt lớp vi tính tầng trên ổ bụng: Hình ảnh u thận trái kích thước khoảng 30 mm, ngấm thuốc tính chất RCC (ung thư tế bào thận)
Bệnh nhân được chẩn đoán: Theo dõi ung thư tế bào thận trái. Và được chỉ định phẫu thuật: Cắt u thận trái, sinh thiết tức thì trong mổ, nếu dương tính thì cắt thận trái, niệu quản trái, vét hạch. Kết quả sinh thiết tức thì: Ung thư biểu mô tế bào sáng, tiến hành cắt thận trái, niệu quản trái và vét hạch.
Điều trị sau phẫu thuật: Bù dịch, giảm đau, kháng sinh đường tĩnh mạch, bù điện giải.
Kết quả điều trị: Bệnh nhân sau mổ toàn trạng ổn định, đỡ đau sau 2 ngày, ăn uống được sau 2 ngày, rút dẫn lưu sau 4 ngày và được ra viện sau 5 ngày điều trị.
Bàn luận: Mổ cắt thận là một trong những phẫu thuật phức tạp, đòi hỏi cao ở tay nghề của đội ngũ y bác sĩ và hệ thống trang thiết bị máy móc. Người bệnh nên đến cơ sở y tế chuyên khoa uy tín với các chuyên gia hàng đầu về tiết niệu để được tư vấn và thực hiện phẫu thuật một cách an toàn, hiệu quả, tránh biến chứng và nguy cơ tái phát.
Nhóm tác giả:
- Bs.CKII. Trần Minh Phương – Phó giám đốc, Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang (SĐT: 0983.281.983)
- Bs.CKI. Nguyễn Văn Giang – Trưởng khoa Ngoại A, Bệnh viện Ung bướu Bắc Giang (SĐT: 0909.151.888)
- Bs. Vũ Chí Linh – Khoa Ngoại A, Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang
(SĐT: 0964.195.951)