XÉT NGHIỆM TG TRONG CHẨN ĐOÁN CÁC BỆNH LÝ TUYẾN GIÁP

Thứ ba - 11/07/2023 20:41
XÉT NGHIỆM TG TRONG CHẨN ĐOÁN CÁC BỆNH LÝ TUYẾN GIÁP

Các bệnh lý tuyến giáp hầu như lành tính nhưng nếu không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Xét nghiệm TG là một trong những xét nghiệm chẩn đoán các bệnh lý tuyến giáp được bệnh viện Ung Bướu Bắc Giang  triển khai và thực hiện, cho kết quả chính xác, độ tin cậy cao.
1. Xét nghiệm TG là gì?
Thyroglobulin hay còn được viết tắt là Tg, là một glycoprotein chứa iod với trọng lượng phân tử hơn 660kDa, là thành phần chính trong chất keo của nang giáp, được bài tiết vào bên trong khoang của các nang tuyến giáp, một phần nhỏ tuần hoàn vào máu. Tg là cơ chất quan trọng cho sự gắn iod vào tyrosin trong quá trình tổng hợp các hormone giáp T3 (Tri-iodo-thyronin) và T4 (Thyroxin)
Xét nghim TG giúp phát hiện nồng độ bất thường của TG trong huyết thanh của người bệnh. Nhờ đó phục vụ cho việc chẩn đoán và điều trị ung thư tuyến giáp nói riêng và một số bệnh lý tuyến giáp nói chung. Ngoài ra kết quả xét nghiệm còn có tác dụng theo dõi mức độ tái phát của bệnh nhân sau khi điều trị ung thư tuyến giáp

2. Xét nghiệm Tg được chỉ định khi nào?

2.1 Trong chẩn đoán các bệnh lý tuyến giáp

Xét nghiệm Tg được chỉ định trong chẩn đoán 2 thể ung thư tuyến giáp đó là thể nang và thể nhú. Xét nghiệm này kết hợp xét nghiệm TSH (một loại hormone kích thích tuyến giáp) trước khi thực hiện điều trị ung thư tuyến giáp. Mục đích xét nghiệm nhằm kiểm tra trong huyết thanh có tồn tại nồng độ Tg cao vượt mức bình thường hay không. Nếu nồng độ Tg trong huyết thanh cao thì cần xét nghiệm định kỳ để kiểm tra mức độ tái phát của bệnh sau điều trị.
Ngoài ra xét nghiệm này còn được chỉ định để xác định nguyên nhân gây nên bệnh cường giáp cũng như theo dõi quá trình và hiệu quả điều trị Basedow bằng thuốc kháng giáp trạng theo thời gian. Kết hợp các xét nghiệm Tg, Anti-TG, Anti TPO sẽ giúp bác sỹ tìm nguyên nhân gây nên bệnh suy giáp có phải do các tự kháng thể tuyến giáp hay không.
Tg còn có thể sử dụng để chẩn đoán phân biệt giữa viêm tuyến giáp bán cấp với nhiễm độc giáp do thuốc và để xác định nguyên nhân suy giáp bẩm sinh ở trẻ em
2.2. Trong điều trị và theo dõi ung thư tuyến giáp tái phát
- Chỉ định xét nghiệm TG trước và sau phẫu thuật để đánh giá hiệu quả của quá trình điều trị. Kết quả xét nghiệm giúp xác định được phẫu thuật đã loại bỏ hết các khối u ung thư hay chưa.
- Kết hợp hai xét nghiệm TG và Anti-TG để theo dõi mức độ tái phát của ung thư.
Trong trường hợp bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp nhưng diễn biến bệnh phức tạp thì cần kích thích TG bằng hormone kích thích tuyến giáp TSH người tái tổ hợp (RH TSH). Lúc này mới có thể phát hiện được mức độ tái phát của ung thư.
Biểu hiện thường thấy là nồng độ TG trong huyết thanh thấp, kết quả xét nghiệm Anti-TG dương tính dẫn đến mức độ TG khi bệnh tái phát là rất thấp. Do đó mới cần kích thích như trên để dễ dàng hơn trong việc phát hiện.

3. Ý nghĩa của xét nghiệm TG

Giá trị TG ở người bình thường: 1.59-50.3 ng/ml
3.1. Lượng TG tăng
Giá trị TG tăng lên thể hiện một số điều sau:
- Các thể ung thư tuyến giáp biệt hóa chưa được điều trị hoặc ung thư đã đến giai đoạn di căn. Lưu ý TG không tăng trong các thể ung thư tuyến giáp anaplastic (không biệt hóa) và ung thư tuyến giáp thể tủy cùng một số ung thư hiếm gặp khác.
- Tái phát bệnh sau phẫu thuật hoặc hóa trị liệu.
- Ung thư tuyến giáp di căn sau những đợt điều trị ban đầu.
- TG có thể tăng ở một số bệnh tuyến giáp lành tính như sau: Basedow, u hạch lành tính, u giáp lành tính, viêm tuyến giáp cấp,..

3.2. Lượng TG giảm

Lượng TG có thể giảm ở một số trường hợp sau:
- Đã phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp hoàn toàn.
- Thiếu hụt bẩm sinh do thiểu năng tuyến giáp.
- Hiện tượng suy giáp do bướu cổ của trẻ em.
- Nhiễm độc tuyến giáp nhân tạo.

4. Một số điều khác cần chú ý về xét nghiệm TG

Xét nghiệm Tg không được sử dụng để sàng lọc ung thư tuyến giáp trên số lượng lớn dân cư không triệu chứng do tỷ lệ ung thư tuyến giáp ở Việt Nam rất thấp và nồng độ TG có thể tắng trong các bệnh lý tuyến giáp lành tính. Vì vậy chỉ nên tầm soát ung thư tuyến giáp khi có triệu chứng nghi ngờ và các yếu tố nguy cơ về lối sống cũng như di truyền.
Xét nghiệm này cũng không được sử dụng để chẩn đoán xác định ung thư tuyến giáp mà đây chỉ là xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán cũng như đánh giá hiệu quả điều trị và theo dõi tái phát ung thư tuyến giáp.  Để chẩn xác định ung thư tuyến giáp cần thực hiện phương pháp sinh thiết sau đó quan sát mô tuyến giáp dưới kính hiển vi.

Mô tuyến giáp dưới kính hiển vi

Hy vọng bài viết trên đã giải đáp thắc mắc cho các bạn về chỉ số TG trong điều trị ung thư tuyến giáp. Tuy có ý nghĩa quan trọng nhưng chỉ đơn độc kết quả chỉ số TG không thể đưa tới kết luận gì. Trong bất kỳ tình huống y khoa nào, người bệnh nên được tư vấn và chăm sóc bới cơ sở y tế chuyên khoa uy tín, trách nhiệm.
 

Tác giả: quyen quang

Nguồn tin: khoa xét nghiệm::

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập63
  • Máy chủ tìm kiếm11
  • Khách viếng thăm52
  • Hôm nay10,108
  • Tháng hiện tại239,321
  • Tổng lượt truy cập11,878,795
Bộ Y tế
Sở Y tế tỉnh Bắc Giang
Phap Diem
dmdc
giam dinh
tracuu
Cục quản lý khám chữa bệnh
chat luong
Cục quản lý Dược
dau thau
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi