UNG THƯ ĐƯỜNG TIẾT NIỆU DẤU HIỆU NHẬN BIẾT VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ
quyen quang
2022-11-02T20:41:37-04:00
2022-11-02T20:41:37-04:00
http://bvungbuoubg.com/tin-trong-nganh/tuan-thu-42-tu-ngay-10-10-den-ngay-14-10-2022-423.html
http://bvungbuoubg.com/uploads/news/2021_10/qu.png
Bệnh viện Ung Bướu tỉnh Bắc Giang
http://bvungbuoubg.com/uploads/untitled2.png
Thứ năm - 06/10/2022 21:33
I. TRIỆU CHỨNG CẢNH BÁO UNG THƯ ĐƯỜNG TIẾT NIỆU
1. Đau rát khi đi tiểu
Người bệnh sẽ có biểu hiện đi tiểu nhiều lần, buồn tiểu liên tục, tiểu không hết, đau rát khi tiểu.
2. Tiểu ra máu
Nếu khối u ở đường tiết niệu bị viêm loét người bệnh có thể đi tiểu ra máu, lượng máu có thể ra nhiều hay ít sẽ tùy vào tình trạng vết loét. Máu trong nước tiểu khó có thể quan sát bằng mắt thường.
3. Tiểu khó
Khối u to sẽ chèn ép lên bàng quang và ống dẫn nước tiểu, khiến bàng quang bị kích thích, nước tiểu khó lưu thông. Lúc này người bệnh sẽ có triệu chứng khó tiểu, tiểu đứt quãng, buồn tiểu mà tiểu không ra.
4. Đau lưng, đau hông
Dấu hiệu này sẽ xuất hiện khi khối u xâm lấn làm bít tắc đường tiết niệu, nước tiểu không thể đào thải ra ngoài trào ngược từ bàng quang lên thận gây tổn thương thận, hư thận thậm chí là suy thận cực kỳ nguy hiểm.
5. Máu trong tinh dịch
Nam giới bị ung thư đường tiết niệu có thể xuất hiện máu trong tinh dịch. Số lượng máu trong tinh dịch nhiều hay ít tùy tình trạng bệnh và thể trạng của mỗi người.
II. NHỮNG AI DỄ MẮC UNG THƯ ĐƯỜNG TIẾT NIỆU?
Các yếu tố nguy cơ của ung thư đường tiết niệu gồm:
- Hút thuốc lá.
- Tiếp xúc lâu dài (nghề nghiệp) với chất gây ung thư (ví dụ: thuốc nhuộm azo, kim loại nặng, phenacetin, các amin thơm như benzidine và thuốc nhuộm anilin).
- Viêm đường tiết niệu mãn tính có thể dẫn đến biến đổi tế bào niệu quản thành tế bào biểu mô vảy.
- Nhiễm trùng đường tiểu mãn tính/tái phát.
- Sán máng.
- Sỏi thận mãn tính.
- Viêm niệu đạo
- Nhiễm HPV 16
- Tăng hàm lượng clo / asen trong nước uống.
- Tiền sử chiếu xạ vùng chậu, điều trị bằng cyclophosphamide…
- Tiền sử gia đình bị ung thư biểu mô.
III. PHƯƠNG PHÁP CHẨN ĐOÁN UNG THƯ ĐƯỜNG TIẾT NIỆU
1. Xét nghiệm nước tiểu
Đây là một xét nghiệm đơn giản để kiểm tra máu và các chất khác trong mẫu nước tiểu.
2. Xét nghiệm tế bào học nước tiểu
Trong xét nghiệm này, kính hiển vi được sử dụng để tìm kiếm các tế bào ung thư trong nước tiểu.
3. MRI (cộng hưởng từ tiết niệu)
Những xét nghiệm này có thể giúp phát hiện một số bệnh ung thư sớm.
4. Siêu âm hệ tiết niệu
Đây là phương pháp đầu tiên được sử dụng khi gặp các vấn đề rối loạn tiểu tiện. Siêu âm có thể phát hiện ra các dị tật bẩm sinh, phát hiện ra các khối u, đánh giá mức độ xâm lấn thành bàng quang và tình trạng ứ nước của đường tiết niệu. Thông qua đó bác sĩ sẽ xác định được vấn đề bạn đang gặp phải.
5. Nội soi hệ tiết niệu
Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh thông qua máy nội soi chuyên dụng. Bác sĩ có thể nhìn trực tiếp vào ống nội soi hoặc qua màn hình máy tính. Nếu bác sĩ phát hiện có bất thường trong bàng quang thì có thể thực hiện điều trị ngay khi đang làm thủ thuật này.
6. Chụp đường niệu có cản quang
IV. PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ UNG THƯ ĐƯỜNG TIẾT NIỆU
1. Nguyên tắc điều trị:
a. Phẫu thuật: Phẫu thuật là phương pháp điều trị triệt căn, áp dụng khi bệnh ở giai đoạn tại chỗ, tại vùng. Kết hợp với bơm hóa chất tại chỗ trong trường hợp ung thư biểu mô tại chỗ hoặc hóa trị bổ trợ nhằm giảm tỉ lệ tái phát sau khi phẫu thuật.
b. Điều trị nội khoa: Điều trị nội khoa bao gồm hóa trị và liệu pháp miễn dịch thường sử dụng điều trị bổ trợ sau phẫu thuật trong trường hợp khối u có độ mô học cao, xâm nhập hoặc những trường hợp chống chỉ định phẫu thuật.
c. Xạ trị: Xạ trị có thể có 1 số tác dụng như liệu pháp bổ trợ để cải thiện kiểm soát tại chỗ sau khi điều trị phẫu thuật đối với bệnh tiến triển,…
2. Điều trị theo giai đoạn
- Giai đoạn bệnh chưa di căn, độ mô học thấp: phẫu thuật nội soi ± hóa chất bơm đường niệu
- Giai đoạn bệnh chưa di căn, độ mô học cao, khối u lớn, xâm lấn rộng: phẫu thuật triệt căn ± hóa trị bổ trợ.
- Giai đoạn di căn xa: điều trị toàn thân (hóa trị, miễn dịch)
- Giai đoạn pT0, pT1: sau phẫu thuật không điều trị hóa chất bổ trợ.
- Giai đoạn pT2, pT3, pT4, pN(+): cân nhắc hóa trị bổ trợ.