XẠ TRỊ TRONG UNG THƯ TRỰC TRÀNG

Thứ ba - 27/09/2022 21:09
1. Tổng quan
Ung thư trực tràng (UTTT) luôn nằm trong nhóm các bệnh lí ung thư phổ biến tại Việt Nam cũng như thế giới. Theo thống kê cuả Globocan 2020, ung thư đại trực tràng đứng thứ 5 số ca mắc mới được ghi nhận tại Việt Nam cũng như tổng số nguyên nhân gây tử vong do ung thư.
UTTT là một bệnh lí điển hình cho điều trị đa mô thức, nghĩa là áp dụng nhiều phương pháp điều trị trên một bệnh nhân như xạ trị, hóa chất, phẫu thuật, điều trị đích, miễn dịch. Việc lựa chọn phác đồ điều trị thích hợp phụ thuộc vào nhiều yếu tố: vị trí u nguyên phát, giai đoạn bệnh, toàn trạng bệnh nhân, các yếu tố nguy cơ... Hiện nay, với sự tiến bộ nhanh chóng của phẫu thuật và xạ trị, kết quả điều trị ung thư trực tràng đã được cải thiện đáng kể. Trong đó xạ trị có vai trò vô cùng quan trọng trong điều trị ung thư trực tràng, đặc biệt giai đoạn II, III.   
 2. Chỉ định của xạ trị trong UTTT
- Trong điều trị triệt căn UTTT (hóa xạ trị trước hoặc sau phẫu thuật hoặc hóa xạ trị triệt căn).
Bệnh nhân UTTT đoạn trung bình hoặc thấp, giai đoạn tại chỗ tại vùng T3-4 và/ hoặc N1-3, M0.
Một số trường hợp UTTT cao (ví dụ: u ở dưới vị trí phủ của phúc mạc, xâm lấn mạc treo trực tràng hoặc có di căn hạch mạc treo trực tràng, …).
- Trong điều trị triệu chứng: UTTT giai đoạn IV có triệu chứng nặng nề tại u như chảy máu, chèn ép, đau nhiều hoặc tại vị trí di căn ( đau nhiều tại vùng tổn thương di căn xương).
3. Xạ trị triệt căn: nên lựa chọn hóa xạ trị trước hay sau phẫu thuật
- Hóa xạ trị trước hay sau phẫu thuật: là điều trị xạ trị kết hợp hóa chất cacpecitabin/5Fu được thực hiện trước hoặc sau phẫu thuật trực tràng nhằm đạt được điều trị triệt căn.
Phẫu thuật có vai trò chính trong điều trị triệt căn ung thư trực tràng. Tuy nhiên, các bệnh nhân chỉ phẫu thuật đơn thuần có tỷ lệ tái phát cao do phẫu thuật không thể lấy hết được các tế bào vi di căn. Xạ trị có vai trò quan trọng, hỗ trợ trước hoặc sau mổ nhằm giảm nguy cơ tái phát tại chỗ, tại vùng.
Hóa xạ trị trước mổ giúp làm giảm kích thước u do đó tăng khả năng mổ triệt để tổn thương ung thư và bảo tồn được cơ thắt đối với u trực tràng thấp. Xạ trị trước mổ có ưu điểm hơn so với sau mổ do tế bào ung thư được cung cấp oxy nhiều hơn do chưa bị phẫu thuật làm tổn thương các mạch máu nên đáp ứng với xạ trị tốt hơn. Bên cạnh đó, tác dụng phụ  như viêm ruột ít hơn do chỉ có phần nhỏ nằm trong vùng xạ, các quai ruột chưa bị dính vào diện mổ ở chậu hông. Chính vì vậy xạ trị trước mổ đang là xu hướng phổ biến trong điều trị ung thư trực tràng hiện nay.
Liều xạ: 45 – 50,4Gy trong 25-28 buổi xạ, kết hợp capecitabin/ 5Fu.
Phẫu thuật có thể tiến hành sau khi kết thúc hóa xạ trị 4-8 tuần để đạt được hiệu quả kiểm soát bệnh tốt nhất, tuân thủ nguyên tắc triệt căn bao gồm cắt toàn bộ mạc teo trực tràng.
- Hóa xạ trị triệt căn (không phẫu thuật): trong những trường hợp bệnh nhân còn chỉ định phẫu thuật tuy nhiên thể trạng không cho phép hoặc bệnh nhân từ chối phẫu thuật thì hóa xạ trị triệt căn có thể là một lựa chọn thay thế ( nâng liều xạ trị so với hóa xạ trị bổ trợ trước hoặc sau mổ).
Liều xạ: 50-55Gy, thường 54Gy trong 30 buổi xạ, kết hợp capecitabin/ 5Fu trong các ngày xạ trị.
4. Xạ trị triệu chứng
Đối với bệnh nhân UTTT có di căn xa ko còn chỉ định điều trị triệt căn thì xạ trị đơn thuần có thể giúp giảm bớt các triệu chứng tại chỗ như giảm đau tại u, chống chèn ép, giảm chảy máu, giảm đau tại vị trí di căn xương, …
Liều xạ: thường xạ liều cao, ngắn ngày, có thể lựa chọn 30Gy trong 10 buổi xạ trị.
Hệ thống máy xạ trị tại Bệnh viện Ung bướu Bắc Giang
5. Các câu hỏi thường gặp
- Bệnh nhân xạ trị ung thư trực tràng có cần cách ly ko: Tia xạ này chỉ tác động tại vùng chiếu tia. Do đó, bệnh nhân vẫn duy trì sinh hoạt như bình thường.
- Chế độ ăn với bệnh nhân xạ trị ung thư trực tràng: Nếu bệnh nhân không có bệnh nội khoa mạn tính kết hợp yêu cầu chế độ ăn đặc biệt thì bạn duy trì chế độ ăn ăn đủ năng lượng, cân bằng các thành phần thức ăn, kiêng ăn đồ cay, nóng, dễ kích thích, hạn chế bia rượu, cà phê,… Những bệnh nhân có tình trạng táo bón cần thực hiện chế độ ăn nhuận tràng. Bệnh nhân có tình trạng mót rặn nhiều thì nên giảm một số đồ ăn quá ngọt, sữa, trứng…
Mọi thắc mắc xin liên hệ Bs.CKI Nguyễn Ngọc Toản - Trưởng khoa Xạ
Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang  (SĐT 0982309179)                                                                

Tác giả: quyen quang

Nguồn tin: Khoa xạ - Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập27
  • Máy chủ tìm kiếm11
  • Khách viếng thăm16
  • Hôm nay8,089
  • Tháng hiện tại134,327
  • Tổng lượt truy cập11,059,334
Bộ Y tế
Sở Y tế tỉnh Bắc Giang
Phap Diem
dmdc
giam dinh
tracuu
Cục quản lý khám chữa bệnh
chat luong
Cục quản lý Dược
dau thau
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi