Ung thư tiền liệt tuyến (UTTLT) là một loại ung thư thường gặp ở nam giới. Theo Hiệp hội ung thư Mỹ, mỗi năm trên thế giới có gần 200.000 người mắc ung thư tiền liệt tuyến. Bệnh có tỷ lệ tử vong khoảng 3.4% năm. Nguy cơ mắc UTTLT tăng cao khi trên 50 tuổi. Xét nghiệm PSA là một dấu ấn ung thư cần được thực hiện sớm để sàng lọc UTTLT. Một nghiên cứu lớn tại châu Âu năm 2012 đã công bố, nam giới nếu được sàng lọc UTTLT bằng xét nghiệm PSA sẽ giảm 21% nguy cơ tử vong do ung thư tuyến tiền liệt.
PSA là một enzym kallikrein được tiết bởi các tế bào biểu mô của tuyến tiền liệt với bản chất là một glycoprotein có trọng lượng phân tử khoảng 30.000 dalton. PSA toàn phần trong huyết tương bao gồm phần lớn gắn với các protein (PSA liên hợp) và một lượng nhỏ không gắn với protein được gọi là PSA tự do (free PSA - fPSA). Trên thực hành lâm sàng xét nghiệm PSA toàn phần và PSA tự do thường được dùng trong chẩn đoán UTTLT.
1. Khoảng tham chiếu: Xét nghiệm PSA đang được triển khai trên hệ thống máy Access 2 tại Bệnh viện Ung bướu Bắc Giang.
- PSA chủ yếu được bài tiết vào tinh dịch, chỉ có một lượng rất nhỏ thoát vào trong máu. Lượng PSA trong huyết tương tăng dần theo tuổi của người đàn ông.
+ Từ 40 – 49 tuổi: PSA ≤ 2,5 ng/mL
+ Từ 50 – 59 tuổi: PSA ≤ 3,5 ng/mL
+ Từ 60 – 69 tuổi: PSA ≤ 4,5 ng/mL
+ Từ 70 – 79 tuổi: PSA ≤ 6,5 ng/Ml
- PSA tự do bình thường chiếm khoảng 30% PSA toàn phần.
2. Ý nghĩa chẩn đoán của kết quả xét nghiệm PSA và fPSA
- Khi nồng độ PSA toàn phần (thường được gọi là xét nghiệm PSA) < 4 ng/ml, khả năng UTTLT là rất thấp.
- Nồng độ PSA >10 ng/mL, nguy cơ UTTLT cao, cần chỉ định sinh thiết làm xét nghiệm tế bào học để chẩn đoán UTTLT.
- Người có tốc độ tăng PSA > 0,75 ng/mL/năm có nguy cơ UTTLT tăng.
- Để đánh giá nguy cơ tử vong của những bệnh nhân UTTLT thể khu trú, xét nghiệm PSA được đánh giá cùng với Tiêu chuẩn phân loại giai đoạn Gleason và phân loại theo lâm sàng:
. Nguy cơ thấp: PSA < 10 ng/mL, số điểm Gleason ≤ 6 và giai đoạn lâm sàng ≤ T2a.
. Nguy cơ trung bình: PSA = 10-20 ng/mL, số điểm Gleason = 7 và giai đoạn lâm sàng ≤ T2b/c.
. Nguy cơ cao: PSA >20 ng/mL, số điểm Gleason ≥ 8 và giai đoạn lâm sàng ≥ T3.
- Tuy nhiên PSA có thể tăng trong các trường hợp, u xơ lành tính hoặc viêm tuyến tiền liệt. Trong trường hợp này xét nghiệm PSA tự do là cần thiết. Tỷ số fPSA/PSA sẽ giúp chẩn đoán phân biệt giữa các trường hợp UTTLT với các bệnh không phải ung thư tuyến tiền liệt. Trong UTTLT tỷ số fPSA/PSA giảm do lượng PSA liên hợp tăng làm tăng PSA toàn phần trong khi PSA tự do không tăng hoặc tăng rất ít.
- %fPSA = fPSA/PSA x 100%.
- Nếu nồng độ PSA từ 4.1 – 10 ng/ml, %fPSA ≤15% có thể giúp chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt với độ nhạy là 85% và độ đặc hiệu là 56,5%.
- Sinh thiết được chỉ định khi %fPSA ≤25%.
Bảng: Nồng độ PSA, tỷ lệ fPSA/PSA huyết thanh và nguy cơ ung thư TTL
PSA (ng/mL) |
Khả năng ung thư (%) |
Tỷ lệ fPSA/PSA (%) |
Khả năng ung thư (%) |
0 – 2 |
1 |
0 – 10 |
56 |
2 – 4 |
15 |
10 – 15 |
28 |
4 – 10 |
25 |
15 – 20 |
20 |
>10 |
>50 |
20 – 25 |
16 |
|
|
>25 |
8 |
4. Một số lưu ý khi xét nghiệm PSA và fPSA
- Ở những bệnh nhân đang dùng thuốc kháng androgen hoặc biotin liều cao (>5mg/ngày), lấy mẫu cho xét nghiệm PSA nên được thực hiện ít nhất 8 giờ sau dùng thuốc.
- Trước khi được lấy máu xét nghiệm không nên ăn những thức ăn có nhiều đạm, sữa, trứng, uống bia rượu và quan hệ tình dục (gây xuất tinh).
- Thăm khám trực tràng có thể gây ra mức độ PSA cao tạm thời trong máu, nên xét nghiệm PSA thường được thu thập trước khi thực hiện các thăm khám trực tràng.
- PSA và fPSA phải thực hiện trên cùng một phòng xét nghiệm, trên cùng một máy thì mới có %fPSA chính xác.