UNG THƯ GIAI ĐOẠN CUỐI LÀ NHƯ THẾ NÀO?

Thứ hai - 30/10/2023 22:06
Khi khối u trong cơ thể bệnh nhân phát triển nhất và các tế bào ác tính đã di căn đến những bộ phận khác của cơ thể. Chẳng hạn như, ung thư phổi thường di căn tới tuyến thượng thận, xương, não và gan. Trường hợp người bệnh mắc ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn cuối, khối u thường lan đến tuyến thượng thận, xương, gan và phổi. Hoặc ung thư vú có thể lây lan sang xương, não, gan và phổi khi tiến triển đến giai đoạn cuối.
Cơ thể của bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối thường phải đối diện với tình trạng rất mệt mỏi, thiếu năng lượng. Một số người bệnh cảm thấy yếu ớt tới mức không thể làm những hoạt động sinh hoạt thường ngày như mặc quần áo hay đi vệ sinh. Khả năng người bệnh mắc ung thư ở giai đoạn này được chữa khỏi là rất mong manh và gần như không thể điều trị khỏi.
Do đó, những phương pháp điều trị ung thư ở giai đoạn cuối chủ yếu tập trung vào làm chậm lại sự phát triển của khối u, giảm thiểu những triệu chứng, góp phần hạn chế tình trạng đau đớn, giúp bệnh nhân có thể thoải mái nhất cũng như tiếp tục kéo dài thêm sự sống. Ung thư giai đoạn cuối là một nỗi ám ảnh, gây ra lo sợ cho chính bản thân người bệnh và những người thân của họ.
2. Bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối gặp các triệu chứng nào?
Dưới đây là một số triệu chứng mà bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối hay gặp phải:
2.1. Khó thở
Đây là dấu hiệu phổ biến khi bệnh ung thư ở vào giai đoạn cuối. Người bệnh bị thở khò khè, tức ngực, suy hô hấp, tắc nghẽn phế quản.

2.2. Gầy, sút cân nhanh
Gầy, sút cân nhanh cũng là triệu chứng thường gặp và dễ nhận biết ở bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Đây là triệu chứng gây ra từ sự kết hợp tình trạng mất cân nặng và giảm khối cơ của cơ thể mà người bệnh phải đối diện. Có rất nhiều loại ung thư gây ra triệu chứng này như ung thư dạ dày, ung thư thực quản, ung thư tuyến tụy, ung thư phổi,...

2.3. Cảm giác buồn nôn và nôn

Cảm giác nôn và buồn nôn cũng là triệu chứng mà người bệnh ung thư giai đoạn cuối thường xuyên gặp phải. Điều này có thể là bởi khối u di căn tới dạ dày dẫn đến chướng hơi, khó tiêu hay khối u có kích thước to gây tắc ruột; tác dụng phụ của phương pháp điều trị là xạ trị, hóa trị;...
2.4. Đắng miệng, chán ăn, ăn kém
Tác dụng phụ của quá trình xạ trị, hóa trị hoặc việc sử dụng thuốc giảm đau, thuốc chống trầm cảm cũng gây ra cảm giác bị đắng và khô miệng, cảm thấy cơ thể bị mất nước ở người mắc phải bệnh ung thư vào giai đoạn cuối.
Bên cạnh đó, tình trạng chán ăn, ăn kém cũng xuất hiện khiến việc hấp thu các chất dinh dưỡng bị hạn chế, gây suy nhược cơ thể.

2.5. Táo bón

Đây cũng là một triệu chứng thường gặp của bệnh ung thư ở thời kỳ cuối, điển hình ở các trường hợp bệnh nhân mắc ung thư đại trực tràng.
Dấu hiệu này là bởi người bệnh có biểu hiện ăn kém, cơ thể thiếu lượng chất xơ cần thiết, uống ít nước, ít hoạt động; đồng thời, cũng do ảnh hưởng của các loại thuốc điều trị. Bên cạnh đó, cơ bụng và sàn chậu bị suy yếu cũng khiến cho khả năng tiêu hóa của đường ruột bị giảm đi.

2.6. Mệt mỏi

Khi mắc phải ung thư giai đoạn cuối, cơ thể của người bệnh thường ở trạng thái mệt mỏi, dù cho không có hoạt động nặng hay trước đây cơ thể của họ luôn khỏe mạnh. Tình trạng suy nhược cơ thể dẫn đến hiện tượng sụt cân một cách nhanh chóng, cơ bắp bị mất đi.

2.7. Một số triệu chứng khác

Ngoài ra, bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối còn có thể đối diện với một số triệu chứng khác như ngủ nhiều, ngủ li bì, khó khăn khi thức dậy lúc đang ngủ; chân, lòng bàn chân và lòng bàn tay, cánh tay lạnh; đi tiểu nhiều bởi bàng quang bị mất kiểm soát; hạn chế về khả năng nói chuyện và tập trung; mất ý thức;...

3. Một số lời khuyên khi chăm sóc bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối

Như vậy, bạn đã biết được ung thư giai đoạn cuối là như thế nào và một số triệu chứng bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối thường gặp phải. Sau đây là một số lời khuyên khi chăm sóc người bệnh mắc ung thư thời kỳ cuối dành cho người thân của họ.

3.1. Tôn trọng nguyện vọng, mong muốn của bệnh nhân đối với việc điều trị

Khi bệnh ung thư tiến triển đến giai đoạn di căn, việc điều trị chủ yếu giúp bệnh nhân có thể cảm thấy thoải mái nhất và tiếp tục kéo dài tuổi thọ. Trong quá trình này, người thân nên lắng nghe nguyện vọng, mục tiêu của bệnh nhân và tôn trọng, đáp ứng mong muốn của họ liên quan đến việc điều trị.

3.2. Hỗ trợ người bệnh trong việc ăn uống và các hoạt động sinh hoạt hàng ngày

Trong quá trình chăm sóc người bệnh ung thư ở thời kỳ cuối, người thân cần quan tâm tới chế độ dinh dưỡng để giúp người bệnh tăng cường sức khỏe. Lưu ý bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết trong thực đơn mỗi ngày, đa dạng những loại thực phẩm, các món ăn nên nấu mềm, dễ nhai và nuốt.
Đi kèm với đó, luôn quan tâm, giúp đỡ người bệnh trong hoạt động sinh hoạt thường ngày của họ. Bởi lúc đó, việc sinh hoạt của người bệnh dù chỉ là đi lại, vệ sinh cá nhân cũng trở nên khó khăn hơn khi sức khỏe đã suy yếu đi nhiều.

3.3. Ở bên cạnh và động viên người bệnh đừng bỏ cuộc

Người bệnh ung thư giai đoạn cuối không những bị đau đớn về thể xác, mà tinh thần cũng bị ảnh hưởng với tâm lý tiêu cực, tuyệt vọng, suy sụp. Vì vậy, khi chăm sóc người bệnh bị ung thư ở giai đoạn cuối, những người thân cần trở thành một chỗ dựa tinh thần vững chắc cho họ. Lúc này, bạn hãy luôn ở bên người bệnh, chia sẻ cảm xúc, động viên và cổ vũ họ tiếp tục cố gắng thay vì bỏ cuộc.

3.4. Giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn

Người thân của bệnh nhân mắc ung thư giai đoạn cuối có thể tham khảo một số biện pháp giúp họ cảm thấy thoải mái hơn, góp phần giảm cảm giác đau đớn như sau:
  • Sử dụng loại gối và đệm êm, phù hợp và thoải mái với người bệnh khi họ nằm hay ngồi. Đồng thời, cũng giúp đỡ bệnh nhân thay đổi vị trí một cách thường xuyên.
  • Hỗ trợ họ nâng cao đầu hay xoay người sang phía giúp thở dễ dàng hơn.
  • Tiến hành thay ga trải giường tối thiểu một tuần hai lần hoặc nếu cần thì thay thường xuyên hơn.
  • Nhẹ nhàng massage cơ thể của người bệnh, xoa tay, chân cho họ.
Thông qua bài viết trên đây, Khoa HSCC-CSGN bệnh viện Ung Bướu tỉnh Bắc Giang đã cung cấp đến bạn đọc những thông tin liên quan đến triệu chứng bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối thường gặp và một vài lời khuyên cho người thân khi chăm sóc họ.


 

Tác giả: quyen quang

Nguồn tin: Khoa Hồi sức tích cực và Chăm sóc giảm nhẹ::

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập39
  • Máy chủ tìm kiếm29
  • Khách viếng thăm10
  • Hôm nay11,475
  • Tháng hiện tại297,741
  • Tổng lượt truy cập13,695,957
Bộ Y tế
Sở Y tế tỉnh Bắc Giang
Phap Diem
dmdc
giam dinh
tracuu
Cục quản lý khám chữa bệnh
chat luong
Cục quản lý Dược
dau thau
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi