AN TOÀN BỨC XẠ TẠI KHOA XẠ TRỊ
Người bệnh thường lo lắng về sự an toàn của phương pháp xạ trị vì xạ trị liên quan đến việc tiếp xúc với các hạt phóng xạ nguy hiểm, tuy nhiên xạ trị đã đươc sử dụng để điều trị ung thư một cách an toàn trong hơn 100 năm qua. Cho đến nay đã có rất nhiều tiến bộ trong xạ trị, nhờ đó các qui định và điểm kiểm soát an toàn trong suốt quá trình điều trị đã được xây dựng và hoàn thiện.
An toàn đối với từng loại bức xạ cụ thể
*Xạ trị ngoài
Xạ trị ngoài được thực hiện từ một nguồn bên ngoài, bao gồm một chùm bức xạ nhắm vào một phần của cơ thể, và chỉ ảnh hưởng đến các tế bào trong cơ thể trong chốc lát. Vì không có nguồn bức xạ bên trong cơ thể, nên người bệnh không bị nhiễm phóng xạ trong bất kỳ thời gian nào trong hoặc sau điều trị.
*Xạ trị bên trong (xạ trị áp sát)
Xạ trị trong là sử dụng một nguồn bức xạ kín được cấy vào (đưa vào bên trong cơ thể ) nơi có khối ung thư. Tùy thuộc loại mô cấy được sử dụng, cơ thể của bạn có thể phát ra một lượng nhỏ bức xạ trong thời gian ngắn.
Bức xạ thường không đi xa hơn khu vực được điều trị, vì vậy khả năng những người khác có thể bị nhiễm bức xạ là rất nhỏ. Tuy nhiên, người bệnh có thể được yêu cầu ở lại bệnh viện và hạn chế khách tới thăm trong thời gian điều trị. Người bệnh cũng có thể được yêu cầu ở cách xa mọi người một khoảng nhất định. Phụ nữ có thai và trẻ em không được phép đến thăm. Nếu bộ phận cấy ghép bức xạ của người bệnh chỉ là tạm thời, cơ thể sẽ không còn phát ra bức xạ sau khi bộ phận này được lấy ra. Nếu bộ phận bức xạ được cấy vĩnh viễn, nó cũng sẽ từ từ ngừng phát phóng xạ sau một thời gian.
*Xạ trị đường uống hoặc toàn thân
Bức xạ đường uống hoặc toàn thân là sử dụng một chất phóng xạ không được bọc kín và sẽ đi khắp cơ thể. Do đó, một số bức xạ sẽ tồn tại trong cơ thể trong vài ngày cho đến khi cơ thể bạn có cơ hội loại bỏ nó. Người bệnh có thể phải ở lại bệnh viện trong 1 hoặc 2 ngày, và có thể cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa đặc biệt tại nhà.
Để bảo vệ những người khác khỏi bức xạ, thuốc được giữ trong các thùng đặc biệt để giữ bức xạ bên trong, và người bệnh sẽ được điều trị trong một căn phòng được che chắn. Các nhân viên y tế khi xử lý thuốc cũng phải mặc thiết bị an toàn để bảo vệ họ khỏi phơi nhiễm trong khi đưa thuốc bức xạ vào người bệnh
*An toàn của người bệnh và người nhà
Nếu người bệnh đang điều trị bức xạ toàn thân, có thể cần có các biện pháp an toàn để bảo vệ những người xung quanh. Điều này là do các chất phóng xạ có thể ra khỏi cơ thể người bệnh qua nước bọt, mồ hôi, máu và nước tiểu và làm cho các chất tiết này có tính phóng xạ. Điều quan trọng là cố gắng hạn chế tối đa việc để bức xạ tiếp xúc với những người người xung quanh người bệnh.
Trong hầu hết các trường hợp điều trị bức xạ toàn thân, các biện pháp phòng ngừa an toàn chỉ cần được thực hiện trong vài ngày đầu sau khi điều trị.
Dưới đây là những điều người bệnh có thể được yêu cầu thực hiện nếu đang điều trị bức xạ toàn thân:
- Giặt riêng đồ của người bệnh, không để, giặt chung với những thứ còn lại trong gia đình, bao gồm cả khăn tắm và chăn ga gối.
- Ngồi xuống khi đi vệ sinh (cả nam và nữ) để tránh chất thải cơ thể bắn tung tóe.
- Xả bồn cầu hai lần sau mỗi lần sử dụng và rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh.
- Sử dụng đồ dùng vệ sinh (ca cốc, lược, đồ đánh răng … ) và khăn tắm riêng.
- Uống nhiều để thải chất phóng xạ ra khỏi cơ thể nhanh hơn.
- Không hôn hoặc quan hệ tình dục (trong ít nhất một tuần).
- Giữ khoảng cách với những người trong gia đình.
- Tránh tiếp xúc với trẻ sơ sinh, trẻ em và phụ nữ có thai trong một khoảng thời gian nhất định.
- Tránh tiếp xúc với vật nuôi trong một khoảng thời gian nhất định.
- Tránh sử dụng phương tiện giao thông công cộng trong một khoảng thời gian nhất định.
- Có kế hoạch để nghỉ ở nhà không đi làm, đi học và các hoạt động khác trong một khoảng thời gian nhất định.
Địa chỉ liên hệ: Bs.CKI. Nguyễn Ngọc Toản- Trưởng khoa Xạ.
Số điện thoại: 0982309179.