GIÁ TRỊ CỦA CHỤP CỘNG HƯỞNG TỪ (MRI) TRONG ĐÁNH GIÁ CÁC BỆNH LÝ VÙNG CHẬU

Chủ nhật - 14/08/2022 21:56
GIÁ TRỊ CỦA CHỤP CỘNG HƯỞNG TỪ (MRI) TRONG ĐÁNH GIÁ CÁC BỆNH LÝ VÙNG CHẬU
1. Chụp cộng hưởng từ (MRI) khung chậu là gì.
Chụp cộng hưởng từ (MRI) khung chậu là một xét nghiệm hình ảnh học sử dụng một máy có từ trường mạnh, sóng Radio và máy tính để tạo ra hình ảnh chi tiết của các cơ quan nằm trong khu vực khung chậu mà không sử dụng năng lượng bức xạ như tia X trong chụp X-quang và chụp cắt lớp vi tính (CT). Các cấu trúc trong khung chậu bao gồm: bàng quang, tiền liệt tuyến ở nam, buồng trứng tử cung ở nữ, mạch máu, hệ bạch huyết, ruột non, đại trực tràng, khung xương chậu, khớp háng…
Hình ảnh MRI chi tiết cho phép bác sĩ kiểm tra các nội tạng và phát hiện bất   thường. Hình ảnh có thể xem ngay trên màn hình máy tính hay cũng có thể gửi được dưới dạng điện tử (DICOM), in fiml hoặc sao chép vào đĩa CD để hội chẩn từ xa.
2. 
Những ưu điểm khi chụp MRI khung chậu
MRI là một kỹ thuật hình ảnh không xâm lấn và không liên quan đến việc tiếp xúc với bức xạ.
Hình ảnh MRI có khả năng phản ánh rất tốt các cấu trúc mô mềm trong khung chậu, chẳng hạn như bàng quang, tuyến tiền liệt, tử cung, buồng trứng, trực tràng, và nhiều cơ quan khác nên có khả năng xác định và mô tả chính xác bệnh hơn các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác. Điều này làm cho MRI ngày càng trở thành một công cụ hữu ích trong chẩn đoán sớm nhiều tổn thương nhất là các khối u vùng chậu.
MRI đã được chứng minh là có giá trị trong việc chẩn đoán một loạt các bệnh bao gồm: bệnh ung thư, bệnh tim và mạch máu cũng như các bất thường về hệ cơ xương khớp.
MRI có thể phát hiện các bất thường bị che khuất bời các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác.
Thuốc tương phản dùng trong MRI là Gadolium có tỷ lệ gây ra phản ứng dị ứng thấp hơn so với các thuốc cản quang Iod dùng trong X-quang, chụp mạch và CT.




Chụp MRI có độ phân giải cao hơn nhiều so với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác trong thăm khám vùng chậu.
3. Chụp MRI vùng chậu giúp phát hiện bệnh lý gì?
Chụp MRI cho vùng chậu là một kỹ thuật chẩn đoán hữu hiệu được áp dụng với cả hai giới nếu bệnh nhân gặp các vấn đề như:
  • Có dị tật bẩm sinh
  • Chấn thương vùng xương chậu
  • Kết quả X-quang có bất thường
  • Bị đau ở vùng bụng dưới hoặc đau ở vùng chậu
  • Đi tiểu hoặc đại tiện khó khăn mà không rõ nguyên nhân
  • Bị ung thư (hoặc nghi ngờ ung thư) ở cơ quan sinh sản, bàng quang, trực tràng hoặc ở đường tiết niệu
Đối với nữ giới, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện chụp MRI cho vùng chậu để nếu có các triệu chứng như:
  • Âm đạo bị khô
  • Vùng âm đạo có chảy máu bất thường
  • Có khối u hoặc khối bất thường tại vùng xương chậu
  • Bị đau không giải thích được tại vùng bụng dưới hoặc vùng chậu
Còn đối với nam giới, MRI vùng chậu có thể được chỉ định khi xuất hiện các triệu chứng như:
  • Có một tinh hoàn không xuống bìu
  • Có khối u ở bìu hoặc tinh hoàn, hoặc bị sưng ở khu vực bìu/tinh hoàn
4. Cách thức thực hiện chụp MRI khung chậu như thế nào?
Đầu tiên, người bệnh cần mặc áo choàng của bệnh viện hoặc quần áo riêng của mình nếu rộng rãi, không có dây buộc và các chi tiết bằng kim loại. Các hướng dẫn về việc ăn uống trước khi chụp sẽ tùy vào chỉ định thực hiện của bác sĩ, thông thường bệnh nhân sẽ được hướng dẫn ăn nhẹ trước ngày chụp, uống nhiều nước trước khi chụp và nhịn tiểu để bàng quang đầy nước tiểu. Song song đó, người bệnh cũng cần được hỏi tiền căn có bị hen suyễn hoặc dị ứng với thuốc cản quang, thuốc, thức ăn, môi trường hay có mắc các bệnh mãn tính khác như bệnh tim mạch, đái tháo đường, suy gan, suy thận…hay không.
Đối với người mắc hội chứng sợ không gian kín hoặc cảm giác lo lắng, bác sĩ cần chỉ định thêm một loại thuốc an thần nhẹ trước khi chụp để người bệnh cảm thấy dễ chịu và hợp tác tốt hơn.

Cần để tất cả các đồ trang sức và các phụ kiện khác ở nhà hoặc tháo chúng ra trước khi chụp. Các vật dụng bằng kim loại và điện tử có thể gẫy nhiễu từ trường của máy và gây nguy hiểm trong quá trình chụp nên chúng không được phép mang vào phòng chụp. Các vật dụng này bao gồm:
  • Đồ trang sức, đồng hồ, thẻ tín dụng và thiết bị trợ thính
  • Ghim đính, kẹp tóc, dây kéo kim loại và các vật dụng kim loại tương tự.
  • Các dụng cụ nha khoa tháo lắp
  • Bút, dao bỏ túi, kính mắt
  • Khuyên đính trên cơ thể
  • Điện thoại di động, đồng hồ và các thiết bị theo dõi.

Trong hầu hết các trường hợp việc chụp MRI có thể xem là an toàn cho bệnh nhân có vật liệu kim loại cấy ghép trong người, ngoại trừ một số trường hợp sau:
  • Vật liệu cấy ghép ốc tai
  • Clip kẹp trong các chứng phình động mạch não
  • Cuộn dây kim loại được đặt trong mạch máu
  • Máy khử rung tim và các máy tạo nhịp tim thế hệ đầu.
Sau khi được chuẩn bị, người bệnh sẽ được đưa vào máy chụp. Kỹ thuật viên sẽ sử dụng các thiết bị cố định và cuộn dây chuyên dụng (Coil) có khả năng phát và thu nhận tín hiệu hình ảnh.
Nếu chụp có tiêm thuốc tương phản thì kỹ thuật viên sẽ tiêm thuốc qua tĩnh mạch lượng thuốc vừa đủ vào cơ thể bệnh nhân để hiển thị rõ ràng hơn các thành phần cần quan tâm.
Thời gian chụp có thể kéo dài từ 20-40 phút mà không gây đau đớn gì. Tuy nhiên một số bệnh nhân sẽ cảm thấy khó chịu khi phải nằm yên kéo dài. Những người khác có thể thấy ngột ngạt, ồn ào khi nằm trong máy. Tuy nhiên kỹ thuật viên vẫn có thể quan sát và đàm thoại 2 chiều với bệnh nhân qua micro. Do đó, nếu bệnh nhân cảm thấy quá khó chịu thì có thể ra tín hiệu tạm dừng chụp MRI.
Sau khi hoàn thành việc chụp MRI khung chậu, kết quả hình ảnh sẽ được phân tích bởi các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh có kinh nghiệm. Phối hợp với các dữ kiện như thăm khám lâm sàng, các kết quả xét nghiệm khác, bệnh lý tại khung chậu sẽ được chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.
Tóm lại, chụp MRI sử dụng nam châm và sóng vô tuyến, là phương pháp an toàn, không xâm lấn để thu nhận hình ảnh bên trong cơ thể mà không cần phải rạch phẫu thuật. Theo đó, chụp MRI vùng chậu là công cụ khảo sát hữu ích giúp bác sĩ đánh giá các bệnh lý về cơ quan, mạch máu và các mô khác vùng chậu. Từ đó, các tình trạng thường gặp tại khu vực này như đau bụng không rõ nguyên nhân, sự lây lan của một số bệnh ung thư.. sẽ được phát hiện và điều trị sớm.      

Hiện tại, bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang đã đưa vào sử dụng hệ thống máy chụp cộng hưởng từ Philips Ingenia Prodiva CS 1.5 Tesla hiện đại với đầy đủ các chuỗi xung và phần mềm chuyên dụng giúp chẩn đoán tốt hơn các bệnh lý vùng chậu, đặc biệt là chẩn đoán các khối u vùng chậu.
Mọi thắc mắc xin liên hệ Bs.CKI Nguyễn Văn Dũng Trưởng khoa CĐHA- Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang (SĐT 0917.759.750)




 

Tác giả: quyen quang

Nguồn tin: Khoa chuẩn đoán hình ảnh:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập53
  • Máy chủ tìm kiếm22
  • Khách viếng thăm31
  • Hôm nay6,272
  • Tháng hiện tại221,712
  • Tổng lượt truy cập10,906,785
Bộ Y tế
Sở Y tế tỉnh Bắc Giang
Phap Diem
dmdc
giam dinh
tracuu
Cục quản lý khám chữa bệnh
chat luong
Cục quản lý Dược
dau thau
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi