UNG THƯ VÒM HỌNG
I. Tổng quan
Ung thư vòm họng là khối u ác tính phát sinh từ niêm mạc vùng vòm họng, nằm ngay sau lỗ mũi sau.
Đây là một bệnh ung thư khá phổ biến trong số các ung thư vùng đầu cổ (ngoài ung thư khoang miệng, ung thư hạ họng, ung thư thanh quản...). Bệnh có tỷ lệ mắc cao ở những nước Đông Á và Đông Nam Á. Trong đó, bệnh được ghi nhận nhiều nhất tại Trung Quốc và Hồng Kong. Tại Việt Nam, theo Globocan 2020, ung thư vòm họng đứng thứ 8/10 loại ung thư phổ biến nhất, tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới 8.1/100.000 dân cao hơn nữ giới 2.8/100.000 dân. Với tổng số ca mắc mới 6040 người và số ca tử vong là 3706 người. Tại các nước Đông – Nam châu Á, bệnh được quan sát thấy từ lứa tuổi 20 tuổi với đỉnh cao mắc bệnh xung quanh độ tuổi 50.
II. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Có 3 nguyên nhân chính liên quan đến bệnh sinh của ung thư vòm họng bao gồm:
- Nhiễm Epstein Barr virus (vi rút EBV): Tỷ lệ nhiễm loại vi rút này ghi nhận cao ở vùng Đông Á ( Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kong...), Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.
- Yếu tố di truyền
- Yếu tố môi trường: Đặc biệt là hút thuốc và uống rượu, ngoài ra còn do tập quán ăn rưa cà muối, cá muối (có sinh ra chất nitrosamin là yếu tố gây ung thư đã được chứng minh trên thực nghiệm), khói bụi, ô nhiễm môi trường...
III. Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh
Trong giai đoạn sớm, bệnh thường phát triển một cách âm thầm, kín đáo, không gây ra các triệu chứng lâm sàng hoặc gây ra các triệu chứng nhẹ, dễ nhầm với các viêm nhiễm khác vùng hầu họng làm cho người bệnh thường chủ quan, bỏ qua. Các triệu chứng có thể là
- Cảm giác ù tai xuất hiện từng lúc, đau nhức đầu nhẹ
- Xuất hiện hạch vùng góc hàm, hạch nhỏ, không đau
- Ngạt mũi từng lúc, có thể xì khạc ra ít máu mũi
Đa số bệnh nhân thường đến viện khi có các triệu chứng lâm sàng rõ của bệnh, cũng là lúc bệnh ở giai đoạn muộn, các phương pháp điều trị kém hiệu quả, các biểu hiện thường gặp:
- Nổi hạch cổ, hạch lớn, có thể ở một bên hoặc cả hai bên cổ, hạch có thể dính với nhau thành khối cứng chắc, đau do chèn ép, xâm lấn ra ngoài da gây vỡ loét.
- Ù tai liên tục, nghe kém, viêm tai thanh dịch
- Nghẹt tắc mũi liên tục một bên hoặc hai bên, chảy máu mũi thường xuyên hơn
- Đau nhức nửa đầu có thể là do khối u đã xâm lấn nội sọ
- Nhìn đôi, nhìn mờ, lác mắt do khối u xâm lấn vào các dây thần kinh vận nhãn, thậm chí nhãn cầu bị đẩy lồi ra trước do khối u xâm lấn vào đỉnh hốc mắt
IV. Các xét nghiệm cần làm
1. Nội soi tai mũi họng: Qua nội soi có thể quan sát trực tiếp vùng niêm mạc vòm họng, phát hiện ra các tổn thương nghi ngờ, qua đó tiến hành sinh thiết để xét nghiệm mô bệnh học cho chẩn đoán xác định.
2. Chụp cộng hưởng từ vùng mặt – cổ (MRI): MRI rất hữu ích trong đánh giá sự xâm lấn của khối u vào các cấu trúc phần mềm vùng hầu họng, phát hiện các xâm lấn thần kinh, nội sọ, phát hiện các hạch di căn, qua đó giúp ích trong chẩn đoán giai đoạn bệnh
3. Cắt lớp vi tính (CLVT): Chụp CLVT vùng đầu cổ có giá trị trong đánh giá u, hạch, đặc biệt là phát hiện các xâm lấn cấu trúc xương vùng nền sọ
4. Chụp Xquang, siêu âm ổ bụng, CLVT ngực, bụng: Qua đó, phát hiện được các tổn thương di căn phổi, trung thất, gan, ổ bụng...và các tổn thương phối hợp nếu có
5. Xạ hình xương: Đây là xét nghiệm rất quan trọng trong phát hiện tổn thương di căn xương (di căn xương là một di căn thường gặp trong ung thư vòm họng).
6. Các xét nghiệm khác: Công thức máu, sinh hóa máu, chức năng gan, thận, hormon nội tiết...Được thực hiện thường quy để đánh giá bệnh nhân trước điều trị.
V. Chẩn đoán bệnh
Khi bệnh nhân có các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh, khi đến viện sẽ được các bác sĩ thăm khám các dấu hiệu lâm sàng, nếu nghĩ tới ung thư vòm họng, bệnh nhân được nội soi vòm họng kiểm tra, sinh thiết các tổn thương nghi ngờ làm xét nghiệm giải phẫu bệnh để có chẩn đoán xác định bệnh ( thời gian để có kết quả giải phẫu bệnh từ 3-5 ngày).
VI. Các phương pháp điều trị
1. Xạ trị
Xạ trị là phương pháp điều trị đóng vai trò chính trong ung thư vòm họng, do bản chất của tế bào ung thư trong ung thư vòm họng nhạy cảm với tia xạ. Xạ trị có thể điều trị triệt căn với các ung thư ở giai đoạn sớm và điều trị triệu chứng như chống đau, chống chảy máu, chống chèn ép... ở các giai đoạn muộn.
Vị trí xạ trị bao gồm khối u vòm, những khu vực khối u có thể xâm lấn tới, toàn bộ hệ thống hạch cổ hai bên với mục đích triệt căn, thời gian xạ trung bình khoảng 6-7 tuần với một buổi chiếu mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần.
2. Hóa chất
Hóa chất thường được điều trị phối hợp với xạ trị giúp làm tăng nhậy cảm của khối u với tia xạ, tăng hiệu quả tiêu diệt tổn thương qua đó giúp đạt hiệu quả điều trị cao hơn.
Hóa chất cũng có thể được tiến hành điều trị trước hóa xạ trị đồng thời với những ung thư tiến triển, giúp làm giảm kích thước u và hạch, hạn chế di căn xa, qua đó tạo thuận lợi cho hóa xạ trị, làm tăng thời gian sống thêm cho bệnh nhân.
Đối với bệnh đã di căn xa, hóa chất đơn thuần được áp dụng cũng giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh, làm tăng thời gian sống thêm cho người bệnh.
3. Phẫu thuật
Vai trò của phẫu thuật khá hạn chế trong ung thư vòm họng, do vị trí giải phẫu đặc biệt của vùng vòm họng, việc can thiệp phẫu thuật cắt bỏ hết sức khó khăn và để lại nhiều di chứng nặng nề. Phẫu thuật chủ yếu được thực hiện trong số ít các trường hợp như:
- Phẫu thuật lấy hạch cổ làm xét nghiệm giải phẫu bệnh giúp chẩn đoán
- Phẫu thuật lấy bỏ hạch cổ còn sót lại sau hóa xạ trị đồng thời, hoặc tái phát di căn đơn độc tại hạch cổ
- Phẫu thuật thắt động mạch khi chảy máu vùng vòm không giải quyết được bằng điều trị nội khoa.
VII. Tiên Lượng
Ung thư vòm họng là bệnh có tiên lượng khá tốt đặc biệt có thể chữa khỏi bằng hóa xạ trị khi bệnh ở giai đoạn sớm, càng đến viện muộn tiên lượng bệnh càng kém
Sống thêm toàn bộ 5 năm theo giai đoạn bệnh từ giai đoạn I đến giai đoạn IV tương ứng là: 90%, 84%, 75%, 58%.