MỘT SỐ TÁC DỤNG PHỤ VÀ BIẾN CHỨNG KHI GÂY TÊ
quyen quang
2023-05-08T03:54:34-04:00
2023-05-08T03:54:34-04:00
https://bvungbuoubg.com/tin-trong-nganh/4-566.html
https://bvungbuoubg.com/uploads/news/2023_05/image-20230508145543-1.jpeg
Bệnh viện Ung Bướu tỉnh Bắc Giang
https://bvungbuoubg.com/uploads/untitled2.png
Thứ năm - 20/04/2023 00:15
I.Đại cương
Gây tê là việc bác sĩ sử dụng thuốc tê để ức chế cảm giác đau ở vùng phẫu thuật. Người bệnh hoàn toàn tỉnh trong quá trình thực hiện phẫu thuật.
Phương pháp gây tê được lựa chọn để thực hiện những cuộc mổ ngắn (thường dưới 2 giờ) và vùng phẫu thuật vùng vai, tay, chân và vùng bẹn. Cũng giống như nhiều kĩ thuật y khoa khác, tác dụng phụ khi gây tê có thể dẫn đến một vài biến chứng cho bệnh nhân.
II.Tác dụng phụ và biến chứng khi gây tê
1.Dị ứng thuốc gây tê
Bệnh nhân bị dị ứng thuốc gây tê có biểu hiện tại chỗ như: nổi ban đỏ, mề đay, viêm da,… Nặng hơn bệnh nhân sẽ bị dị ứng toàn thân, co thắt phế quản, trụy tim mạch,…
Thuốc gây tê nhóm ester(cocain, procain) thường gây dị ứng hơn nhóm amid(lidocain, bupivacain,…).
2.Ngộ độc thuốc gây tê
Ngộ độc thuốc gây tê xảy ra khi nồng độ thuốc tê trong máu người bệnh tăng cao quá mức cho phép. Mỗi loại thuốc tê có nồng độ cho phép nhất định. Tùy thuộc vào từng loại thuốc mà bác sĩ sử dụng cho bệnh nhân với liều lượng phù hợp. Ví dụ như: Thuốc lidocain nồng độ(1-2%) liều lượng tối đa là 300mg, thuốc bupivacain nồng độ 0,5% liều lượng tối đa 175mg,…( đây là liều tối đa khuyến cáo với bệnh nhân 70kg trong gây tê ngoài màng cứng hoặc gây tê đám rối thần kinh).
Nguyên nhân dẫn đến ngộc độc thuốc gây tê là do:
- Tiêm nhầm thuốc tê vào mạch máu hoặc lắp nhầm đường truyền thuốc tê qua catheter ngoài màng cứng vào đường truyền tĩnh mạch.
- Cho bệnh nhân dùng quá liều quy định của thuốc tê.
- Gây tê vùng giàu mạch máu như: nách, khoang màng phổi, tầng sinh môn,…
- Gây tê trên bệnh nhân có nhiều nguy cơ ngộ độc như: thiếu oxy, toan chuyển hóa,…
Biểu hiện ngộ độc thuốc tê sẽ thể hiện chủ yếu ở hai cơ quan là hệ thần kinh trung ương và tim mạch với các biểu hiện như sau:
- Triệu chứng thần kinh ở giai đoạn sớm sẽ có biểu hiện tê môi, tê lưỡi, có vị mặn kim loại, ù tai, hoa mắt chóng mặt, tinh thần hoảng hốt lo lắng. Giai đoạn muộn bệnh nhân có thể có co giật, hôn mê, ngừng tim và tử vong.
- Triệu chứng tim mạch ở giai đoạn sớm sẽ có biểu hiện tăng nhịp tim, tăng huyết áp nếu trong dung dịch thuốc tê có adrenalin, nếu không sẽ biểu hiện nhịp chậm, tụt huyết áp. Giai đoạn bệnh nhân muộn có thể có phân ly nhĩ thất, ngừng tim.
Xử trí: Lúc này cần dừng ngay việc tiêm thuốc và cho bệnh nhân thở oxy, thông khí nhân tạo nếu bệnh nhân có suy hô hấp nặng (có thể dùng thuốc giãn cơ ngắn succinylcholin để đặt ống nội khí quản). Xử lý theo phác đồ cấp cứu ngộ độc thuốc tê với dung dịch Lipid 20%. Nếu bệnh nhân co giật thì cho bệnh nhân dùng thuốc nhóm bezodiazepin(diazepam, midazolam,…) hoặc nhóm barbiturat(phenobarbital,…), tụt huyết áp dùng thuốc co mạch và truyền dịch, điều trị loạn nhịp tim. Bệnh nhân ngộ độc thuốc tê cần được theo dõi sát ít nhất 12 giờ vì các triệu chứng ức chế tim mạch có thể kéo dài hoặc quay trở lại sau điều trị.
Hiện nay, tại Bệnh viện Ung Bướu tỉnh Bắc Giang từ khi thành lập đến nay đang thực hiện các kĩ thuật gây tê như: gây tê tủy sống, gây tê đám rối thần kinh, gây tê ngoài màng cứng,… trong các ca mổ như u cánh tay, u bàng quang, u tử cung, giảm đau sau mổ các ca mổ tiêu hóa,… đem lại hiệu quả cao cho bệnh nhân và chưa xảy ra biến chứng nào.